Căn cứ sàng lọc cán bộ, công chức
Sáng 7/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được xây dựng theo tinh thần Luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật; những nội dung chi tiết có thể thay đổi linh hoạt trong thực hiện thì giao cho Chính phủ quy định.
Nêu nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay: Dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã; quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi cán bộ, công chức công tác để sắp xếp, bố trí vào vị trí việc làm ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và phục vụ nhân dân.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và quán triệt chủ trương của Đảng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản sau: Chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Quy định các phương thức tuyển dụng linh hoạt, ngoài thi tuyển, xét tuyển truyền thống còn bổ sung hình thức tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… hoặc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính; bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức với các lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng |
Việc sửa đổi Luật lần này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong hệ thống cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.
Về sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, chủ trương liên thông cán bộ, công chức cấp xã đã được đề cập khi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019.
Tuy nhiên do yếu tố lịch sử để lại, thời gian dài hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có tính bán chuyên trách; tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ quản lý, sử dụng cũng có những đặc thù so với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để đề xuất phương án cụ thể phục vụ việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức khi đủ điều kiện.
"Thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cụ thể là tại Thành phố Hà Nội (theo quy định của Luật Thủ đô), tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng (theo các nghị quyết của Quốc hội)" - ông Tùng thông tin.
Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, trong đó thống nhất chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
"Do đó, việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với nội dung sửa đổi này" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh.
Về đánh giá công chức, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm để bảo đảm việc đánh giá công chức được thực chất hơn.
Kết quả đánh giá công chức làm cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức; đồng thời để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận.
Quy định này của dự thảo Luật đã thể chế hóa yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá… cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị;…; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín”.
Đồng thời góp phần khắc phục một trong những hạn chế phổ biến trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua là tình trạng đánh giá còn hình thức, cảm tính, chưa thực chất. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành quy định này của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách chế độ công vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị và cải cách nền hành chính quốc gia. |