Làm gì để giải phóng 1 triệu tỷ đồng đang bị “nhốt” trong các ngân hàng?
Các ngân hàng hiện vẫn có dư địa để hạ lãi suất ngay trong quý II nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vượt qua khó khăn trước mắt.
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại toạ đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)- Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng 11/5/2023.
Theo bà Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, lãi suất vẫn là công cụ chủ yếu để kiểm soát lạm phát và việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp giảm bớt áp lực can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên lãi suất tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các chỉ số phát triển doanh nghiệp, cũng như các chỉ số sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam trong năm 2023.
Quang cảnh toạ đàm |
Song theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh, mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023, điều này đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí lãi vay đã chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam trong năm 2022, trong khi đó lãi suất cho vay tại Trung Quốc giảm nhanh sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.
Tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong ba tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao, không chỉ dừng ở mức 9 -10% mà trên thực tế còn cao hơn.
“Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, vị chuyên gia này nói.
Nói về dư địa để giảm lãi suất, ông Nguyễn Tú Anh phân tích, từ năm 2011-2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong hai năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch COVID-19và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn, ông Nguyễn Tú Anh cho biết.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, Việt Nam cần cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Trong đó, các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chuyên gia Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số hiện có khoảng 1 triệu tỷ đồng đang bị “nhốt” tại các ngân hàng trong khi các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn là điều rất vô lý. Rõ ràng ở đây cần có các chính sách để giải quyết mâu thuẫn này trong đó việc thúc đẩy đầu tư công là một giải pháp quan trọng để nguồn tiền đi được vào nền kinh tế.
Chia sẻ ý kiến này chuyên gia Cấn Văn Lực nêu ý kiến, áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý IV năm 2022, tín dụng tăng chậm…
“Nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và giảm được nợ đọng vốn của doanh nghiệp, tiếp tục giải quyết tốt sự ách tắc, cải thiện được môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt”, ông Cấn Văn Lực nói.