Người lao động học tiếng để đi xuất khẩu lao động |
Những chiêu “lách” luật
Chị Nguyễn Thị L (TP. Vinh) chia sẻ, chị có chồng làm việc tại Hàn Quốc và ít nhất 2 năm nữa mới hết hạn làm việc. Do đó, chị đã tìm hiểu và đăng ký đi Hàn Quốc tại một công ty XKLĐ ở thành phố Vinh. Thủ tục phải làm khá đơn giản, không giống với những hình thức thông thường mà đi theo diện “visa thương mại”. Nghĩa là, với hình thức này, người lao động (NLĐ) sẽ phải đóng 18.000 USD, trong đó, 13.000 USD là phí làm thủ tục và 5.000 USD đặt cọc. Với hình thức này, NLĐ sẽ được công ty này làm visa để sang Hàn Quốc buôn bán và theo quy định 1 tháng NLĐ phải về 1 lần và mỗi lần về phải kèm theo hàng hóa 40kg. Sau khi đi đủ 5 lần, NLĐ sẽ được cấp visa và có thể làm việc ở Hàn Quốc 5 năm. “Khi quảng cáo, công ty có đảm bảo sang bên đó sẽ giới thiệu việc làm cho tôi. Nhưng thực tế, thì đó chỉ là công việc tạm thời. Chưa kể tôi cũng không biết buôn bán gì, nếu lấy hàng về thì bán cho ai” - chị L cho biết thêm.
Thêm một hình thức nữa, đó là chị L được giới thiệu đi con đường khác bằng visa nhập cảnh một lần duy nhất hoặc đi bằng con đường du lịch. Để “lách” các cơ quan chức năng, NLĐ phải “tráng” visa bằng hình thức trong vài tháng phải nhập cảnh qua nhiều nước (giống như khách du lịch). Sau khi được cấp visa nhập cảnh một lần duy nhất (tối đa 90 ngày) thì NLĐ sẽ trốn ra ngoài và sau đó trở thành lao động “chui”.
Khuyến khích XKLĐ theo đường chính thống
Từ giữa năm 2018, chương trình đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) chính thức được “mở cửa” trở lại. Nằm trong chương trình này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh hiện là một trong ba trường trên cả nước được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) chọn thí điểm, phái cử lao động có tay nghề sang Hàn Quốc làm việc với chỉ tiêu tuyển chọn 30 người. Ông Lê Thái Sơn - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên - cho rằng: Đây thực sự là một cơ hội tốt cho những sinh viên có ngoại ngữ, có năng lực được sang Hàn Quốc làm việc với chi phí rất rẻ ( khoảng 15 triệu đồng). Sau hơn 3 tháng triển khai, đã có 9 sinh viên của trường được tuyển chọn và đang tiếp tục học kỹ năng để chờ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Ngoài ra, thị trường lao động Nhật Bản - Đài Loan hiện cũng đang rộng mở với kinh phí phải chăng. Ông Trần Quang Hiệu - Giám đốc Văn phòng Đại diện Công ty Hoàng Long - cho hay: Hiện thị trường Nhật Bản mở cửa cho lao động phổ thông và lao động có tay nghề với mức phí từ 120 - 200 triệu đồng. Nhưng với riêng lao động đi theo diện kỹ sư (tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nghề) thì có rất nhiều ưu đãi như lương cao, công việc ổn định. Sau khi làm việc 1 năm, NLĐ còn có thể bảo lãnh vợ con sang sống và làm việc. Với thị trường Đài Loan thì dễ dàng hơn vì chi phí khoảng 100 triệu đồng và cũng không quá khắt khe về kiểm tra sức khỏe cũng như các điều kiện khác.
Bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Nghệ An): Chúng tôi khuyến khích NLĐ đi làm việc bằng con đường chính thống và qua các công ty XKLĐ có uy tín. Lao động bằng visa thương mại hoặc thông qua đường du lịch là hình thức bất hợp pháp, nhiều rủi ro và không được các cơ quan, chính quyền địa phương bảo trợ nếu xảy ra sự cố. |
Nâng hiệu quả xuất khẩu lao động |
Nghệ An: Xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập |
Lao động xuất khẩu: Nguồn nhân lực cần được tận dụng |