Thị trường tăng trưởng tốt
Các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Á và chủ yếu tăng mạnh vào các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả Rập Xêút. Tuy nhiên, trong số 26 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, thì chỉ có 7 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên là: Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Ả Rập Xêút, Libya, Macao.
Xét về thị trường lao động theo khu vực, số lao động đi làm việc tại khu vực Đông Bắc Á là 85.400 người, chiếm tỷ trọng cao nhất, 86,48% tổng số lao động xuất khẩu, tăng 50,50% so với năm trước. Tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất vẫn là thị trường Đài Loan với 57.823 người. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản với 18.219 người, Hàn Quốc 7.056 người, Macao 2.302 người.
Xuất khẩu lao động tăng ở Đông Bắc Á nhưng lại giảm ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có 5.183 lao động Việt Nam làm việc, giảm 67,5% so với năm trước. Malaysia vẫn tiếp nhận lớn nhất số lao động với 4.846 người. Số lao động sang làm việc tại Lào và Campuchia vẫn còn khiêm tốn, lần lượt là 200 người và 50 người.
Thị trường các nước khu vực Trung Đông tiếp nhận 5.718 lao động, tăng 70,68% so với năm trước. Số lao động đi làm việc tại các nước Bắc Phi là 1.510 người. Trong đó, thị trường Lybia tiếp nhận 1.005 người, Algieri 376 người và Angola 129 người. Tuy nhiên, do chiến sự xảy ra nên lao động Việt Nam tại Lybia cơ bản đã chấm dứt hợp đồng và hiện nay tất cả đã trở về nước an toàn.
Thị trường các khu vực khác có tổng số lao động Việt Nam làm việc là 927 người. Trong đó, thị trường Nga tiếp nhận 203 người, Belarusia 373 người, Rumania 228 người và Italia 64 người. Hiện lao động Việt Nam có việc làm ổn định và thu nhập tốt tại các thị trường này.
Việt Nam cần sớm có đơn vị làm dịch vụ hỗ trợ lao động sau khi về nước tái hòa nhập như: Tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động; đào tạo chuyển đổi kỹ năng nghề đã làm tại nước ngoài phù hợp với thị trường trong nước... |
Tận dụng nguồn nhân lực xuất khẩu
Dù thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam được mở rộng hơn trong năm 2014 nhưng không hẳn đã hoàn toàn yên tâm.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), vài năm gần đây, tình trạng lao động bỏ trốn diễn ra ở hầu hết các thị trường, nhiều nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản (30- 40%), Đài Loan (10- 15%).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thừa nhận, tỷ lệ người lao động bỏ trốn không về nước, cư trú bất hợp pháp sau khi hết thời hạn lao động tại Hàn Quốc đã diễn ra từ lâu. Dù nhà nước và các cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp, từ xử lý răn đe đến phạt tiền nặng đối với lao động và gia đình có lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp nhưng tỷ lệ này vẫn không giảm. Theo Thứ trưởng Huân, nếu cánh cửa sang thị trường Hàn Quốc buộc phải đóng sẽ là vô cùng đáng tiếc, bởi lẽ thị trường này đem lại thu nhập tốt cho người lao động và mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Nhìn nhận nguyên nhân lao động Việt Nam thường có xu hướng bỏ trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng lao động, các chuyên gia cho rằng, do Việt Nam chưa có chính sách cụ thể cho người lao động tái hòa nhập khi trở về để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm họ đã được đào tạo tại nước ngoài cũng như tận dụng nguồn vốn mà họ tích lũy được để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay, 50/63 tỉnh, thành phố không nắm được số lượng lao động về nước; chưa có chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này; chưa cung cấp thông tin và hướng dẫn họ tìm việc làm phù hợp; phần lớn người lao động về nước phải tự tìm việc. Điều này cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực tay nghề cao đang diễn ra.
Việc chưa tận dụng nguồn lực của những người từng đi lao động tại nước ngoài là một sự lãng phí, bởi thực tế, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực này. Bất cập lớn nhất của Việt Nam là chưa có nguồn dữ liệu thông tin về lao động đi xuất khẩu trở về để khớp nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước.