Kỳ vọng khôi phục sản xuất công nghiệp Đà Nẵng - Bài 2: Những trợ lực cho doanh nghiệp
Tác động tích cực từ chính sách giảm lãi suất
Theo nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Đà Nẵng, việc Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất 2 kỳ liên tiếp là tín hiệu tích cực, tạo động lực cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Ghi nhận của báo Công Thương, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng đã được điều chỉnh giảm lãi vay trung hạn và ngắn hạn với mức điều chỉnh phổ biến giảm từ 0,2 – 0,5%.
Chủ trương giảm lãi suất của ngân hàng Trung ương tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có động lực để tái cơ cấu sản xuất |
Theo ông Lý Phước Anh – Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Phúc Châu Anh (Hoà Vang, Đà Nẵng), doanh nghiệp kinh doanh nào cũng phải đi vay vốn, vì vậy, khi có chủ trương ngân hàng trung ương giảm lãi suất doanh nghiệp rất mừng. Đỡ được đồng nào hay đồng đó, đỡ vất vả cho doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) (Khu công nghiệp Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết đơn vị có hệ số tín nhiệm tốt nên khi có chủ trương giảm lãi suất các ngân hàng đối tác của DRC đều đã có những hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng cho rằng mặc dù mức giảm lãi của 2 đợt điều chỉnh lãi suất từ ngân hàng Trung ương còn hạn chế nhưng đây cũng là tín hiệu rất tích cực cho thị trường, vừa khơi thông nguồn vốn, vừa giúp doanh nghiệp có động lực để có kế hoạch tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh.
“Thông tin chủ trương ngân hàng Trung ương hạ lãi suất 2 đợi liên tiếp gần đây và chủ trương kích cầu bất động sản, doanh nghiệp kỳ vọng các chủ trương, chính sách trên sẽ giúp các doanh nghiệp đối tác vay được vốn, triển khai được dự án, như vậy thì đơn hàng sẽ tăng lên. Đó là tín hiệu rất tích cực với doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Bình – Đại diện Công ty TNHH Khả Tâm chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã được các ngân hàng thương mại, cổ phần hạ lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,2 - 0,5% |
Ông Nguyễn Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng: "Một số chính sách hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp như Sở Công Thương thực hiện tốt chính sách khuyến công, phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch (theo Nghị quyết 324 HĐND TP. Đà Nẵng); chính sách hỗ trợ ưu đãi lãi suất từ Quỹ đầu tư thành phố." |
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh, khẩn trương đưa khu cụm công nghiệp đi vào họat động
Theo bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Sở sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trong sản xuất cũng như thương mại hóa sản phẩm.
Trong đó, về sản xuất, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng của thành phố (dự kiến).
Khẩn trương đưa Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động và triển khai lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm Công nghiệp Hoà Nhơn và Hoà Khánh Nam để sớm bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; Triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp: Hoà Cầm - Giai đoạn 2, Hoà Ninh, Hoà Nhơn.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh để khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu |
Về hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới thông qua việc triển khai Chương trình xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, Chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng gắn với việc thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025, Kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030,…
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất thông minh, tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sản xuất tại Đà Nẵng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển.
Phối hợp với các đầu mối thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị trên địa bàn triển khai tuyên truyền hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác có hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP) và các thị trường tiềm năng, thị trường mới tại các khu vực Châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á - Trung Đông để vừa mở rộng quy mô xuất khẩu vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.