Kinh tế tuần hoàn: Hợp tác nhiều bên để thúc đẩy
Kinh tế tuần hoàn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, bước đầu phát triển tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã áp dụng KTTH và cam kết phát triển bền vững, sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội, môi trường.
Tại cuộc hội thảo "Hợp tác nhiều bên để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo KTTH", do Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo (FTU - thuộc Trường đại học Ngoại thương) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hiền Linh - đại diện Công ty Heineken Việt Nam - cho biết: Heineken đã áp dụng KTTH vào chiến lược toàn cầu, trong đó có Việt Nam, hướng đến giảm khí thải CO2. Heineken cam kết đến năm 2025 đạt mục tiêu không rác thải chôn lấp. Khả năng thực hành KTTH của Heineken tại Việt Nam không hề thua kém ở nhiều nước khác. Hiện Heineken đang hướng đến nhân rộng mô hình này tới các nhà cung cấp và toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, bao gồm tại Việt Nam.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam - cho biết, công ty đã áp dụng KTTH trong chăn nuôi, trồng trọt…, với qui trình tách phân chất thải, trồng rau hữu cơ, xử lý nước thải, đầu tư hầm bioga... Điều này đã giúp công ty tối ưu hóa được việc xử lý chất thải, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh thân thiện hơn với môi trường.
Ảnh minh họa |
Mặc dù vậy, áp dụng KTTH tại Việt Nam còn gặp những khó khăn, thách thức cả về nguồn lực, kinh nghiệm cũng như cơ chế, chính sách... Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa Vĩnh Thành - cho rằng, KTTH là mô hình kinh tế giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển bền vững, nhân văn, thân thiện với môi trường, song còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đầu tư phát triển theo mô hình KTTH đòi hỏi cần có nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ... cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, thị trường, sáng tạo sản phẩm... Để phát triển KTTH tại Việt Nam, cần đẩy mạnh đào tạo và truyền thông để giúp các doanh nhân, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhà quản lý trong tương lai có nhận thức và kiến thức về KTTH từ sớm.
Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan đã có các chính sách khuyến khích, các chương trình hỗ trợ KTTH phát triển. Bà Hoàng Thị Diệu Linh - Phụ trách vấn đề chất thải & KTTH của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - cho biết, UNDP cùng với Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam đã xây dựng mạng lưới KTTH nhằm khuyến khích, thúc đẩy nâng cao nhận thức cho các bên tham gia; kết hợp các nguồn lực tài chính để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình KTTH.
Các bộ, ngành có liên quan cũng đã có các chương trình nhằm kết nối và huy động nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy mô hình KTTH tại Việt Nam. Chẳng hạn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng “Đề án phát triển KTTH”, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP), xây dựng lộ trình thực hiện KTTH...
Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP, thì Việt Nam phát triển KTTH mới ở những bước khởi đầu, ngoài cơ chế, chính sách thúc đẩy, cần có sự kết hợp của tất cả các bên, từ Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc kết nối, hỗ trợ kiến thức, nguồn lực, kinh nghiệm...
Để góp phần thúc đẩy KTTH tại Việt Nam, mới đây, Trường Đại học Ngoại thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Văn phòng Đề án 844, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đã ký kết một tuyên bố chung với các nội dung: Cùng nhau hợp tác nâng cao nhận thức, xây dựng một thế doanh nhân sáng tạo có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo KTTH và phát triển bền vững; xây dựng các diễn đàn đối thoại chính sách, hội thảo về KTTH; triển khai các nghiên cứu về phát triển bền vững và KTTH, kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước cho các bên trong hệ sinh thái KTTH đổi mới sáng tạo; chuyển giao tri thức về phát triển bền vững và KTTH cho cộng đồng doanh nghiệp; hình thành câu lạc bộ doanh nghiệp thực hành tốt về KTTH để lan tỏa trên cả nước, thúc đẩy chuyển đổi KTTH trong nền kinh tế; thúc đẩy hệ sinh thái KTTH tại Việt Nam hướng đến 17 mục tiêu Phát triển bền vững SDGs, kết nối với hệ sinh thái KTTH trong khu vực và trên thế giới.