Vì sao các nước đang thay đổi hướng đi?
Theo khuyến nghị của WHO, việc giảm nhu cầu các sản phẩm thuốc lá cần ưu tiên hàng đầu, do đó cấm hoặc quản lý chặt các sản phẩm thuốc lá không khói là điều cần thiết. Tuy nhiên, WHO cũng nêu rõ, mỗi quốc gia cần cân nhắc tới thực trạng tiêu thụ thuốc lá của mình. Thay vì cấm, 43 quốc gia tham gia vào FCTC đã thương mại hóa và quản lý thuốc lá làm nóng. Đáng chú ý, trong số này có đến 9 quốc gia thuộc nhóm 15 nước tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới theo báo cáo năm 2017 của WHO. Điều này cho thấy, các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá điếu cao đều đang đón nhận thuốc lá làm nóng như là một giải pháp giảm thiểu tác hại thay vì cấm đoán cực đoan không hiệu quả. Đồng thời, ngày càng có thêm nhiều nước tham gia FCTC của WHO đang thay đổi quan điểm từ hạn chế quyền lựa chọn của người hút thuốc lá điếu sang chấp nhận biện pháp giảm thiểu tác hại dựa trên nguyện vọng của chính họ, nhằm tìm kiếm cơ hội cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Sự công nhận đối với thuốc lá làm nóng của 64 quốc gia trên thế giới, với 70% trong số đó là những nước có tham gia Công ước Khung FCTC, là rất đáng để Việt Nam tham khảo cho một chính sách quản lý phù hợp trong tình hình cải thiện sức khỏe cộng đồng vẫn chưa thực sự khả quan?
Chính sách quản lý nào phù hợp cho Việt Nam?
Theo số liệu cập nhật năm 2020 từ báo cáo “Những Vấn đề Cấp bách - Tình trạng Toàn cầu về Giảm thiểu Tác hại Thuốc lá” (The Global State of Tobacco Harm Reduction - GSTHR) công bố bởi tổ chức Tri thức Hành động Thay đổi (Knowledge Action Change - KAC), Việt Nam nằm ở top 10 trong danh sách 27 nước có tỷ lệ thương vong do hút thuốc lá cao nhất, vượt trên cả Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất và có mức tiêu thụ thuốc lá cao trên toàn cầu.
Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước đầu tiên trong 27 nước có mức tử vong do hút thuốc lá cao nhất (trên 20% tổng số ca tử vong) |
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này đến từ việc quản lý nguồn cung của thuốc lá điếu. Việc mua bán và sử dụng thuốc lá điếu tại Việt Nam vẫn chưa được thắt chặt theo quy định của pháp luật hiện hành. Thêm vào đó, tình trạng trẻ vị thành niên có thể mua thuốc lá một cách dễ dàng vẫn đang diễn ra trong bối cảnh thuốc lá lậu chiếm đến 25% thị phần trong nước. Cần biết thêm, các sản phẩm thuốc lá lậu được tiêu thụ nhiều nhất chính là những loại có chứa hàm lượng nicotine cao hơn nhiều so với mức quy định.
Ngoài thuốc lá điếu, tình trạng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hay còn gọi là thuốc lá không khói – bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng. Các sản phẩm nhập lậu tràn ngập trên thị trường với chất lượng hoàn toàn bị thả lỏng, không kiểm soát, cùng với thông tin khoa học bị bóp méo bởi các tay buôn lậu dẫn đến cái nhìn phiến diện của xã hội đối với những sản phẩm này. Do đó, để giảm gánh nặng trong công tác quản lý, phòng chống sự gia tăng nhu cầu các sản phẩm thuốc lá nói chung, một số cơ quan quản lý đã đề xuất cấm vì cho rằng đây là biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tiêu thụ thuốc lá và ngăn chặn tình trạng hút thuốc ở giới trẻ.
Về mặt thị trường, việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá không khói chỉ mang tính ngăn chặn những sản phẩm của các nhà sản xuất chính danh, được cơ quan y tế của nhiều quốc gia công nhận về khả năng giảm thiểu tác hại, trong khi các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng vẫn đang phát triển mạnh dưới hình thức buôn lậu, khó kiểm soát.
Về mặt pháp lý, với các sản phẩm không khói mà sự cấu thành sản phẩm đang nằm trong định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (Luật PCTHTL), như thuốc lá làm nóng, thì việc đưa ra lệnh cấm cũng không khả thi.
Ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh, luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF- Hồng Đức) nhận định, Điều 2.1 của Luật PCTHTL quy định: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Quy định này có nghĩa là, ngoài những dạng cơ bản như được liệt kê, pháp luật Việt Nam còn thừa nhận thuốc lá ở “dạng khác”.
“Thuốc lá làm nóng có hình dạng giống thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6666:2000, 6667:2000 dành cho thuốc lá điếu đầu lọc và thuốc lá điếu không đầu lọc do Bộ Y tế ban hành, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá thuốc lá điếu đó là “độ cháy”. Trong khi đó, cơ chế của thuốc lá làm nóng là sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường. Do vậy, thuốc lá làm nóng không phải là thuốc lá điếu. Thuốc lá làm nóng cũng không phải xì gà, thuốc lá sợi hay thuốc lào. Nói khác đi, thuốc lá làm nóng được xem là “dạng khác” theo định nghĩa tại Điều 2.1 của Luật PCTHTL và cần phải đưa vào quản lý theo luật hiện hành,” ông Quỳnh kết luận.
Trước cùng một sản phẩm mới là thuốc lá làm nóng, đã có 64 quốc gia trên toàn cầu chọn quản lý bằng chính sách phù hợp và xem đây như một công cụ bổ trợ nhằm giảm tác hại của thuốc lá. Có 43 trong số 64 nước theo đuổi cách tiếp cận này vẫn nằm trong Công ước Khung FCTC của WHO mà Việt Nam cũng là một quốc gia thành viên. Phải chăng đã đến lúc Việt Nam nên chấp nhận một giải pháp thay thế cho thuốc lá điếu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dài hạn, nhất là trong bối cảnh con số tử vong do thuốc lá điếu vẫn đang ở mức báo động?