Công bố kết quả nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng học đường Lãnh đạo doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển đất nước: Nhà sáng lập Tập đoàn TH đề xuất gì? |
Ưu tiên hơn nữa cho dinh dưỡng học đường
Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi nước ta là 18,2% - thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì có sự gia tăng ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến nhóm từ 5-19 tuổi; tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm). Ngoài ra, tỷ lệ trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn cao, đặc biệt là sắt và kẽm.
Khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12, đây là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này rất cần thiết.
PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: Ngọc Dung |
PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030. Cùng đó, Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 cũng được Chính phủ ban hành nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Mục tiêu của chương trình là 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa. Tất cả các trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.
Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi những giải pháp can thiệp mang tính toàn diện, liên tục, liên ngành, trong đó bao gồm sự hoàn thiện về cơ chế, chính sách về dinh dưỡng, để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện; tăng cường phối hợp liên ngành và vận động xã hội; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng.
"Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em", ông Dương nhấn mạnh.
Mô hình điểm và những kinh nghiệm thành công
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, được thực hiện tại 10 tỉnh, thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.
Học sinh tham gia mô hình với bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Ngọc Dung |
Sau khi thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng và xây dựng thực đơn phù hợp với từng địa phương, bữa ăn học đường trong mô hình điểm được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học.
Can thiệp chính của mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất (qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi) giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: Học sinh, nhà trường và phụ huynh.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cho rằng, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm, nhưng nước ta chưa có các luật định, chính sách quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Do đó, việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề đề xuất, Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, Bộ cần tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh với các chương, mục, khoản quy định về dinh dưỡng học đường. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường.
Trước đó, tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp diễn ra ngày 21/9, Anh hùng Lao động Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường nhằm cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ người Việt trẻ.
Đại diện Tập đoàn TH dẫn ví dụ tại Nhật Bản, Luật Dinh dưỡng học đường có từ năm 1954, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, chính phủ ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Ở Indonesia, tổng thống mới đắc cử cam kết sẽ triển khai chương trình "Bữa trưa miễn phí cho học sinh" từ năm 2025…
"Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng là Luật Dinh dưỡng học đường. Cần có luật riêng vì các nội dung quy định sẽ rất lớn và bao trùm, ảnh hưởng tới sức khỏe tầm vóc của thế hệ tương lai. Kinh nghiệm các nước đã thành công, trong đó có Nhật Bản, là một minh chứng rõ ràng", bà Thái Hương nói.