Đón sóng đầu tư
Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được hình thành từ cuối năm 1996. Hiện tại, theo quy hoạch đã được phê duyệt, Khu CNC Hoà Lạc có quy mô diện tích là 1.586ha và nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, bao gồm 8 khu chức năng: Khu giáo dục và đào tạo, khu nghiên cứu và triển khai, khu phần mềm, khu công nghiệp CNC, khu hỗn hợp, khu trung tâm, khu giải trí và thể dục thể thao và khu nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thăm Khu CNC Hòa Lạc |
Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến nay, Ban quản lý đã thu hút được 100 dự án đầu tư, riêng năm 2021, thu hút được 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng. Trong đó, có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng, trên tổng diện tích khoảng 376 ha.
Đặc biệt, trong số này, có 74 dự án thuộc lĩnh vực CNC gồm: 33 dự án về công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, 19 dự án về tự động hóa, 13 dự án về lĩnh vực vật liệu mới, 9 dự án về công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, có 26 dự án về phát triển hạ tầng, dịch vụ xã hội.
Một điểm sáng nữa là Khu CNC Hòa Lạc đã có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam với các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu như: Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel (5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng)…
Đồng thời, có các dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới như: 2 dự án của Tập đoàn Nidec, Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mô-đun nhiệt hiệu năng cao, mô-tơ điện một chiều không chổi than (vốn đầu tư khoảng 375 triệu USD); dự án của Tập đoàn Hanwha AeroSpaces, Hàn Quốc, sản xuất các bộ phận và cấu kiện của động cơ máy bay và động cơ gas tuabin công nghiệp (vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD)…
Ngoài ra, còn có các dự án hỗ trợ của Chính phủ/doanh nghiệp các nước như: Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc V-KIST, với 35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc; Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự hỗ trợ của Tập đoàn SK, Hàn Quốc); Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam và Dự án Đại học Việt Nhật với sự hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; Dự án Đại học Việt - Pháp với sự hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng ADB và Chính phủ Pháp.
Hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao
Theo ông Trần Đắc Trung, trong số 100 dự án đã được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, chiếm 60% số lượng các dự án, các dự án còn lại đang trong quá trình đầu tư/chuẩn bị triển khai. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động có xu hướng tăng theo thời gian.
Nhân viên Viện Thực phẩm chức năng (tại Khu CNC Hòa lạc) vận hành thiết bị máy móc |
Các doanh nghiệp triển khai đưa vào hoạt động góp phần tạo việc làm cho 14.500 người lao động, tỷ lệ lao động nước ngoài chiếm chưa đến 1% tổng số lao động trong khu. Nhiều người Việt Nam trong các doanh nghiệp đã có thể tiếp nhận chuyển giao để thực hiện những công việc trước đây thường do người nước ngoài làm.
Đặc biệt, có sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu CNC Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Cụ thể, giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Viettel, Công ty Vinsmart... trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện, độ tin cậy… cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị ICT; giữa Tập đoàn Hanwha và Công ty M3, Công ty Widia Shinki…
Các sản phẩm CNC được sản xuất tại khu có giá trị gia tăng cao, thay thế hàng nhập khẩu và tham gia thị trường thế giới. Tiêu biểu là các sản phẩm: Rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G; giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot (xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Akachain (nền tảng ứng dụng blockchain cho doanh nghiệp).
Hay, cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không; mô-tơ điện một chiều không chổi than và thiết bị tản nhiệt; hệ thống bảo vệ điều khiển tích hợp trạm biến áp; các tủ điện hạ thế, trung thế với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới.
“Khu CNC Hòa Lạc đang tập trung tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, triển khai thực nghiệm tạo ra công nghệ cao, công nghệ mới được ứng dụng sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tạo các dịch vụ công nghệ cao, qua đó hình thành các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao” - đại diện Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc nhấn mạnh.
Ngoài ra, về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Khu CNC Hòa Lạc còn có các trường đại học lớn với chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên đạt trình độ quốc tế đã và đang đầu tư cơ sở hoạt động với quy mô khoảng 40.000 sinh viên, nghiên cứu viên sinh sống, học tập và nghiên cứu.
Hiện nay, trong số 24.000 người đang học tập và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc có khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động (trong đó số lượng lao động có trình độ đại học và tương đương trung bình đạt trên 50%, thậm chí có những dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%)… Hoạt động đào tạo, thu hút nhân lực công nghệ cao đã được chú trọng để có thể tạo ra và cung cấp các công nhân, kỹ thuật viên có trình độ tay nghề cao, đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao cho Khu CNC Hòa Lạc và cả nước.