Xây đắp giá trị, thành tựu của tương lai
Chia sẻ về những đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, trong thời gian qua, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng toàn ngành nói chung và đội ngũ thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp "trồng người".
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Thành tựu của ngành giáo dục tựu chung thể hiện ở ba khía cạnh: Thích ứng, sáng tạo và phát triển. Nhiều người cho rằng, dịch Covid-19 là cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi số, nhưng đây cũng là một thử thách chưa từng có với đất nước ta và với nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Phân tích từng khía cạnh cụ thể, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho biết, bản chất của giáo dục là truyền tải kiến thức, tiếp nhận kiến thức và phương thức giao tiếp trực tiếp được sử dụng trong nhiều năm qua. Nếu không xảy ra đại dịch, chúng ta chưa thực sự sẵn sàng cho việc học trực tuyến. Ngoài công nghệ, còn cần các kỹ năng, buộc giáo viên phải thay đổi toàn bộ giáo trình, bài giảng; phụ huynh và học sinh cũng phải làm quen và bắt nhịp với việc học trực tuyến… Do đó, tính thích ứng là thành tựu cần phải được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng.
Ngành giáo dục cũng phát huy sáng tạo, được thể hiện qua nhiều hình thức, từ phương thức tiếp cận như học trực tuyến, trực tiếp, linh hoạt trong các bài giảng… để học sinh có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất. Trong điều kiện dịch bệnh, nhưng tri thức vẫn được tiếp cận, trình độ của học sinh được nâng lên, thể hiện qua kết quả đánh giá của nhà trường. Chính thành tựu giáo dục ấy đem lại niềm vui cho từng gia đình, có thêm động lực để phấn đấu.
Đóng góp của ngành giáo dục thời gian qua không chỉ trong phạm vi truyền tải kiến thức mà đã thúc đẩy, hun đúc giá trị tinh thần của người Việt Nam, đó là càng trong khó khăn, càng vươn lên; càng thử thách, càng kiên trì với con đường học hành, coi học hành như là chỗ dựa tinh thần, niềm tin vào tương lai dân tộc sẽ trường tồn, phát triển. Vì vậy, nói tới "phát triển" là nói tới khía cạnh xây đắp những giá trị, thành tựu của tương lai. "Với nội lực đã tạo dựng, chúng ta sẽ đạt được thành tựu to lớn hơn, vượt bậc để bù đắp lại những thiệt hại mà dịch bệnh không mong muốn đem lại" - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ giáo viên, trường lớp, tập huấn giáo viên còn khó khăn…, việc học trực tuyến vừa qua là nỗ lực rất lớn của cả gia đình, nhà trường, phụ huynh. "Chúng ta hay nói tới sự "đứt gãy" của nền kinh tế, nhưng nguy hiểm không kém là sự "đứt gãy" của tri thức. Để không xảy ra điều này, trong những năm tới, ngành giáo dục cần tiếp tục nỗ lực hơn để có một thế hệ trẻ được trang bị kiến thức vững vàng và có thể vượt lên đối diện với thử thách trong tương lai" - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Đào tạo nghề - cần đầu tư bài bản, chuyên nghiệp
Một vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua đó là làm sao nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, khi tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngành giáo dục linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới |
Trước vấn đề này, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, đào tạo nghề là lĩnh vực rất quan trọng, đây là trụ đỡ của an sinh xã hội, góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đào tạo nghề đang khó khăn về mọi mặt, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tâm lý xã hội... Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa làm tốt công tác dự báo thị trường, có tình trạng khi vừa "đổ xô" đào tạo nghề này xong thì nghề ấy bắt đầu thoái trào, trừ một vài nghề căn bản.
Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhưng từ chiến lược đến thực tiễn là cả vấn đề. Chiến lược tốt nhưng thiếu nguồn lực, không bố trí được vốn… cũng khó triển khai. Do đó, cần phải có giải pháp cũng như ưu tiên đầy đủ hơn cho công tác này.
Băn khoăn về công tác đào tạo nghề, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho hay, đơn cử như đợt dịch vừa qua, người lao động phía Nam bỏ về quê và không muốn quay lại. "Một nghịch lý người lao động về quê đã không còn việc làm, vì họ không được làm nghề như ý muốn, muốn được tuyển dụng phải đào tạo nghề lại, câu hỏi đặt ra phải đào tạo như thế nào? Đây là khoảng trống chính sách giáo dục nói chung và công tác dạy nghề nói riêng" - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn.
Việc đào tạo nghề không chỉ dừng ở đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực trường nghề, mà phải đa dạng nghề mới. Theo đó, cần có kế hoạch của từng địa phương trong chiến lược đào tạo nghề; phải thay đổi chiến lược nghề nghiệp và đây cũng là bài toán khó cho Chính phủ vì rất nhiều cái cần phải chi ngay lập tức để tạo dựng nghề nghiệp, rồi từng địa phương phải khảo sát nhu cầu kế hoạch... Hiện nay, tốc độ lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nền kinh tế rất lớn, ở mọi lĩnh vực, đặt ra thách thức chưa từng có đối với lực lượng sản xuất xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bức tranh của thị trường lao động, làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề và trình độ. Yêu cầu đặt ra đối với quá trình giáo dục hiện nay là cần đáp ứng nhu cầu xã hội, cần đào tạo ra những người lao động có đủ kỹ năng mới để thích nghi với biến đổi nhanh chóng của môi trường sản xuất, kinh doanh. Giáo dục nghề nghiệp phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, trong đó tinh thần dám nghĩ, dám làm luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Đối với việc liên kết giữa các doanh nghiệp và trường đại học cho đào tạo nhân lực, dạy nghề, trên thực tế, còn thiếu vắng những doanh nghiệp đầu tư bài bản và chuyên nghiệp. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo nghề thụ động, hoặc đào tạo lại trên phạm vi hẹp, nên chưa giải quyết được câu chuyện đào tạo nghề. "Theo tôi, nhà nước phải đóng vai trò chủ chốt vì đây còn là vấn đề an sinh xã hội, chỉ có nhà nước mới đủ năng lực để dẫn dắt và kinh phí để đầu tư vào những lĩnh vực không sinh lời như đào tạo nghề" - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa kỳ vọng.
Ngành giáo dục Việt Nam dạy những điều thế giới đang tiếp cận, thực hiện thì người học sẽ được thụ hưởng nhiều hơn và chất lượng nguồn nhân lực sẽ phát triển. |