Khó cạnh tranh vì chi phí
Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu (XK) quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch XK chung của cả nước. Tuy nhiên, XK nông sản của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó chi phí logistics là một trong những yếu tố khiến nông sản Việt khó phát huy được lợi thế cạnh tranh. Theo khảo sát, chi phí logistics của sản phẩm rau, quả chiếm tới 29,5%; sản phẩm gạo hiện có chi phí logistics cao nhất với 29,8% giá thành sản xuất…
Cần thiết giảm chi phí logistics |
Đưa ra câu chuyện thực tế của doanh nghiệp (DN), đại diện Công ty Cổ phần TMS Trading - cho biết, vào thời điểm chính vụ, một ngày công ty có thể xuất 300 container hàng nông sản. Tuy nhiên, hiện nay, giá dịch vụ logistics còn cao. Ví dụ, một container thanh long có giá bán 230 triệu đồng, nhưng trong dịp Tết, riêng chi phí vận tải từ khu vực miền Nam ra Lạng Sơn lên tới 130 triệu đồng/container, vậy mà vẫn xảy ra tình trạng thiếu xe.
“Mặc dù số lượng DN logistics ở Việt Nam không ngừng tăng lên và đã có gần 400 đơn vị logistics từng làm việc với TMS, thậm chí có những đơn vị đã ký kết hợp đồng bài bản, nhưng đến lúc cần xe thì không có… khiến hàng ùn ứ tại vùng nguyên liệu. Trong khi đó, hàng nông sản có “tuổi thọ” ngắn, chỉ 25 ngày là hỏng” - đại diện TMS Trading băn khoăn.
Cũng là DN kinh doanh và XK lớn mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group - cho hay, DN XK nông sản rất cần sự phối hợp và hỗ trợ từ các DN logistics. Tất cả quá trình từ việc thu mua, vận chuyển sơ chế, XK… đều có sự tham gia của nhiều DN logistics ở mỗi công đoạn, chiếm rất nhiều chi phí. Vì vậy, nếu không lựa chọn đối tác tốt sẽ khó có được giá thành tốt và đặc biệt khó đảm bảo tính an toàn cho hàng hóa.
Ông Nguyễn Đình Tùng nêu dẫn chứng, nông sản Thái Lan vươn ra thị trường thế giới được là nhờ chi phí logistics rất cạnh tranh. Do đó, việc cải thiện khâu logistics là yêu cầu cấp thiết hiện nay để hàng hóa Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Lý giải nguyên nhân
Chia sẻ nguyên nhân khiến chi phí vận chuyển nội địa cao, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - cho rằng, hạn chế về cơ sở hạ tầng đường bộ, nhất là từ khu vực, vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ nội địa hoặc XK; đường ra-vào cảng thường xuyên bị tắc nghẽn, các tỉnh, thành phố, địa phương đưa ra các loại phí hạ tầng mới. Kết nối các phương tiện vận tải và loại hình vận tải trong nước còn yếu kém.
Bên cạnh đó, lượng container lạnh (mát) đủ tiêu chuẩn tốt để XK không đủ, gây tình trạng kẹt chờ lấy container rỗng, phát sinh chi phí sửa chữa, bảo quản hàng hóa; thiếu sự kết nối đồng bộ giữa chủ hàng và người cung cấp dịch vụ logistics, vận tải trong quá trình thuê vận chuyển; các loại phụ phí tại cảng biển do các hãng tàu container nước ngoài thu vào hàng hóa quá cao; chi phí BOT, phí bảo trì đường bộ (khoảng 30 - 35% giá thành vận chuyển đường bộ), giá xăng dầu còn ở mức cao...
Để giảm chi phí vận tải, logistics đối với hàng nông sản, ông Nguyễn Tương kiến nghị, cần nhanh chóng phát triển trung tâm dịch vụ logistics cho các vùng sản xuất và XK hàng hóa nông sản, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó tập trung nguồn hàng đầy đủ cho việc vận chuyển tiếp theo; cần cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa nhà sản xuất, chủ hàng với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải, logistics để tận dụng phương thức vận tải với giá cước hợp lý hơn.
Cùng với đó, cải thiện khâu bao bì, đóng gói, bảo quản hàng hóa sau thu hoạch và trong quá trình vận chuyển đường bộ. Hiện nay, tổn thất sau thu hoạch của hàng rau, quả là khoảng 40%, hàng thủy sản từ 25 - 30%; phát triển nền tảng số cho mặt hàng nông sản như: Công nghệ truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị nông sản, giám sát chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển, kết nối vận tải nhằm giảm vận tải rỗng, kết nối chủ hàng, người cung cấp vận tải, dịch vụ logistics, nhà xuất nhập khẩu và đặc biệt là với các nhà quản lý (hải quan, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành...).
Đồng thời, nhà nước cần giảm giá điện cho khâu sản xuất, vận chuyển hàng đông lạnh, rau, quả, qua đó góp phần giảm chi phí logistics cho hàng nông sản; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; loại bớt trạm BOT hoặc miễn giảm phí BOT cho xe chở hàng nông sản tươi sống; tăng cường kết nối, hợp tác giữa các hiệp hội, ngành nghề trong nông nghiệp và vận tải, logistics, qua đó hỗ trợ hội viên và DN tham gia vào quá trình sản xuất tiêu thụ nông sản.
Ước tính chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang ở mức 20-25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10-15% các nước trong khu vực. Đây là điểm nghẽn cần sớm hóa giải để tăng sản lượng và giá trị XK của nông sản Việt Nam. |
Kỳ II: "Đánh thức" đường sắt, hàng không