Khi đạo đức bị đem bán, viên thuốc trở thành tội ác
Thủ đoạn tinh vi, nhắm thẳng người già
Một vụ án nghiêm trọng, một tội ác kinh hoàng khoác áo ngành dược, và một hồi chuông cảnh tỉnh rúng động cả hệ thống quản lý dược phẩm. Đó không còn là lời bình nữa – đó là thực tế đang hiện hữu trong vụ việc thuốc giả trị giá 200 tỷ đồng bị phát hiện tại Thanh Hóa.
Bằng thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã biến nỗi đau của người già thành cơ hội trục lợi. Viên thuốc – vốn được kỳ vọng để chữa bệnh, đã trở thành con dao giết người thầm lặng trong tay những kẻ không còn chút nhân tính.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng cầm đầu bởi Nguyễn Tiến Đạt (trú tại Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (trú tại TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức sản xuất thuốc chữa bệnh giả nhắm vào nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất – người cao tuổi.
Khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu lên đến gần 10 tấn. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa |
Lợi dụng thói quen tự mua thuốc không đơn, sự thiếu hiểu biết và tâm lý “thuốc rẻ cũng có công dụng”, chúng đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thuê người trộn bột, đóng nang, ép vỉ, đóng hộp, dán nhãn giả rồi tung ra thị trường với danh nghĩa thuốc trị xương khớp, đau nhức, tê bì tay chân.
Theo cơ quan điều tra, tổng giá trị hàng hóa mà các đối tượng đã sản xuất và tiêu thụ lên tới 200 tỷ đồng. Đây là con số đặc biệt nghiêm trọng, vượt xa mức cấu thành khung hình phạt cao nhất theo Điều 194 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 14 bị can, điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của từng đối tượng liên quan.
Luật sư Đặng Văn Cường: Có thể đối diện án tử
“Tội sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gian lận thương mại mà còn xâm hại trực tiếp sức khỏe, tính mạng người dân,” TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp nhận định.
TS. LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh rằng theo quy định tại khoản 4, Điều 194 Bộ luật Hình sự, nếu thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, thiệt hại lớn về tài sản thì hình phạt cao nhất là tử hình.
“Trong vụ án này, tổng giá trị hàng hóa lên tới 200 tỷ đồng, thuộc diện đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can hoàn toàn có thể bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất – tù chung thân hoặc tử hình,” luật sư Cường nhấn mạnh.
Đáng lo hơn cả là hệ thống giám sát và cấp phép kinh doanh dược phẩm đang tồn tại nhiều kẽ hở. Theo luật sư Cường, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, và các Sở Y tế địa phương.
Bài học đạo đức kinh doanh và lỗ hổng pháp lý
Những viên thuốc chữa bệnh lẽ ra phải là cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân, nhưng chúng đã bị biến thành "vũ khí" giết người hàng loạt trong tay những doanh nhân phi đạo đức.
Và không chỉ là thuốc – thời gian qua, dư luận chưa hết bàng hoàng trước các vụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả, quảng cáo lừa đảo… nay tiếp tục rúng động với vụ thuốc chữa bệnh giả. Một loạt hành vi tàn nhẫn nhắm vào chính sức khỏe cộng đồng – những điều không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh.
“Tội ác dù có tinh vi, được bảo kê hay ngụy trang bằng lớp áo kinh doanh cũng sẽ bị phát hiện và trừng trị. Đây là lời cảnh tỉnh về đạo đức và sự vô cảm trong một số ngành nghề liên quan đến sinh mệnh con người” TS.LS Đặng Văn Cường thẳng thắn nói.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, bên cạnh trừng trị nghiêm khắc, cần xây dựng hệ thống giám sát thuốc hiệu quả hơn. Việc truy vết, quản lý chuỗi cung ứng, đánh giá nguồn gốc nguyên liệu sản xuất phải được siết chặt.
Quan trọng hơn, người dân cần tỉnh táo, không mua thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và báo ngay cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng.