Khánh Hòa: 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2050
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh.
Khánh Hòa đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, trong đó, về giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP, đến năm 2030, tỉnh phấn đầu cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến năm 2045, cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP bằng 0.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đặc biệt, tỉnh này sẽ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, mục tiêu đến năm 2050, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của người dân đạt 100%; phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 20%; 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 50%; có 1 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển dô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.
Xe taxi điện Vinfast tại Nha Trang. Ảnh: Xanh SM |
Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng; bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng định hướng, các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức "0" của Việt Nam vào năm 2045.
Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. |