Thị trường chưa được khai thác hiệu quả
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam năm 2020 cho thấy, Việt Nam xuất khẩu sang EU 35,1 tỷ USD, trong đó 7 nước EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là Đức, Hà Lan, Ý, Pháp, Áo, Tây Ban Nha, và Bỉ đạt 27,4 tỷ USD, chiếm khoảng 78% tổng kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này.
“Như vậy, trong 27 nước thành viên EU, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác một số thị trường các nước Tây Âu truyền thống, vẫn còn bỏ ngỏ các nước khác trong khu vực. Trong khi, theo đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của Trung tâm Thông tin Thương mại (ITC), đây là các thị trường còn rất nhiều dư địa xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu chia sẻ.
Gạo là một trong những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang Bắc Âu |
Cụ thể, các nước Bắc Âu là các nước có thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Dân số tuy ít (cả khu vực có gần 24 triệu) nhưng kim ngạch nhập khẩu khá ấn tượng đạt gần 377 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ổn định. Trong 5 nước này có 3 nước thuộc EU là Thụy Điển, Đan Mạch, và Latvia. Nếu khai thác được 3 thị trường EU này đồng nghĩa với việc khai thác được thị trường cả khu vực do Na Uy và Iceland không thuộc EU nhưng thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA). Nhiều hàng Việt Nam được nhập khẩu vào hai nước này từ các đầu mối tại Đan Mạch và Thụy Điển.
Bà Thuý cho hay, hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chiếm chưa đến 1% thị phần.
“Nếu so với Áo là 1 trong 5 nước EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu của Thụy Điển từ thế giới không thấp hơn nhiều, 150 tỷ USD. Áo nhập khẩu năm 2020 là 164 tỷ USD nhưng Áo nhập khẩu từ Việt Nam cao gấp khoảng 1,5 lần cả khu vực Bắc Âu gồm 5 nước. Các con số nêu trên cho thấy tiềm năng thị trường tại khu vực Bắc Âu còn khá lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hoặc còn ngại khai thác do thị trường nhỏ, địa lý xa xôi, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe” – bà Thuý chỉ rõ.
Đánh giá phân tích của Trung tâm thương mại quốc tế ITC về các mặt hàng tiềm năng Việt Nam có thể khai thác ở thị trường Bắc Âu cho thấy, đối với Thụy Điển, các mặt hàng vẫn còn nhiều dư địa khai thác là cà phê, các loại hạt, cá và các sản phẩm chế biến từ cá, gạo, các loại gia vị. Đối với Đan Mạch là các mặt hàng cá và cá chế biến, cà phê, hạt. Riêng với Na Uy là các mặt hàng cà phê, hạt, cá và cá chế biến, gạo, và hoa quả.
EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đang mở ra cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và EU, trong đó có các nước Bắc Âu. Ngay khi hiệp định có lực, 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ. Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu sang EU được xóa bỏ. 0,8% số dòng thuế còn lại được áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.
Tìm cơ hội khai thác tốt thị trường
Để chiếm lĩnh tốt nhất thị trường Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến cáo, EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng có rất nhiều các qui định khắt khe về tiêu chuẩn, an toàn sản phẩm. Hàng hóa muốn vào được thị trường này phải tuân thủ các qui định bắt buộc của thị trường.
Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ.
“Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và nông trại, cả vấn đề môi trường và xã hội. Họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hủy hoại môi trường do phương pháp thâm canh sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp và thuốc trừ sâu” – bà Thuý chia sẻ. Đồng thời cho biết, các nước này đồng thời quan tâm đến điều kiện lao động và vấn đề cạnh tranh của các nhà sản xuất nhỏ. Vì những lý do này, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng ngày càng tăng. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu thích nhập khẩu hàng hóa từ các công ty có chứng chỉ CRS (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và áp dụng các bộ qui tắc về ứng xử (Code of Conduct).
Nhiều người tiêu dùng thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20-50% để đảm bảo rằng các sản phẩm họ tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội. Đôi khi, người tiêu dùng ở Bắc Âu quan tâm đến các chứng chỉ được in trên bao bì sản phẩm còn hơn chính sản phẩm.
Thị trường ngách - cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngoài các mặt hàng truyền thống còn tiềm năng có thể khai thác, bà Thuý khuyến cáo, thị trường ngách cũng là một thị trường đầy cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các sản phẩm hữu cơ. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Thị phần thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch chiếm 12% trong thị trường thực phẩm, trong khi Thụy Điển là 9%, Phần Lan 3%. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại.
Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường. Việc phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hỏng dựa trên vật liệu nano tự nhiên, kết hợp việc sử dụng bao bì bền vững và giảm chất thải thực phẩm sẽ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Về gạo, gạo Japonica ngày càng được nhập khẩu nhiều vào các nước Bắc Âu. Nếu gạo sushi Nhật Bản được dùng trong các nhà hàng cao cấp và phục vụ ăn tối, thì các loại gạo Japonica nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Ý, và Việt Nam được dùng cho các nhà hàng ăn nhanh, phục vụ ăn trưa với giá rẻ. Giá gạo Việt Nam rẻ và thêm hưởng lợi từ thuế trong thời gian tới sẽ rất hấp dẫn các nhà nhập khẩu.
Bên cạnh gạo, cà phê cũng là mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường này. Người dân Bắc Âu uống cà phê nhiều nhất thế giới. Phân khúc cà phê cao cấp phát triển mạnh tại Bắc Âu do mức thu nhập cao cũng như văn hóa cà phê phát triển mạnh hơn các nước khác. Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản. Ngoài cà phê đặc sản, các sản phẩm đặc sản và mới lạ cũng được ưa chuộng. Phát triển thị trường các sản phẩm đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng là một ý tưởng cần được cân nhắc.
Mật ong đơn hoa ngày càng phổ biến ở Bắc Âu (Ảnh minh hoạ) |
Ngoài ra, các nước châu Âu tiêu thụ mật ong nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 20% tổng tiêu thụ toàn cầu. Sản xuất mật ong nội địa ngày càng thu hẹp nên nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng. Hiện nay, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu chủ yếu là mật ong đa hoa nhưng nhu cầu mật ong đơn hoa ngày càng phổ biến tại thị trường Bắc Âu. Đây là một thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.
“Để thành công tại thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, xác định chiến lược phát triển của mình dựa trên cơ sở tập trung vào khai thác giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Sau đó, chọn phân khúc thị trường phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp. Do thị trường xa và nhỏ, doanh nghiệp cần tìm các giải pháp xúc tiến thương mại phù hợp và hiệu quả. Đa dạng hóa hình thức XTTM, kết hợp hình thức truyền thống với các hình thức XTTM mới” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khuyến cáo.