Khách Tây Âu: Thị trường tiềm năng của du lịch Việt
Thị trường khách du lịch Tây Âu có mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam. Ảnh minh họa |
Thị trường tiềm năng
Chính sách miễn thị thực (visa) có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu, gồm: (Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italia) thời gian qua đã có những tác động tích cực và lợi ích rõ ràng đối với du lịch Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, sau khi được miễn thị thực nhập cảnh năm 2016, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 781.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015, tăng thêm 87.000 lượt người so với lượng khách tăng ở mức 5,35%. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Ngoài ra, theo điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 USD. Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016, mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.
Do đó, việc tiếp tục thực hiện miễn visa cho thị trường Tây Âu được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với tâm lý phấn khởi. Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtour cho hay, mặc dù không bất ngờ, nhưng doanh nghiệp rất phấn khởi, bởi điều này thể hiện chính sách mở cửa của Việt Nam. Mặt khác, đây là thị trường cực kỳ tiềm năng, đáng để thu hút.
Theo đánh giá của ông Hoan, Tây Âu là thị trường cực kỳ phát triển, nền kinh tế tương đối ổn định, nhu cầu du lịch của người dân cao. “Với thị trường khách đi nhiều, ổn định, chi trả cao, lưu trú dài, khách văn minh, chúng ta không lo lắng tour giá rẻ, không lo ngại bị phá vỡ môi trường, cảnh quan du lịch; không lo vỡ trận, quá tải và họ không đến ào ạt, và rút đi ào ạt như một số thị trường khác” - ông Hoan nói.
Làm mới sản phẩm, chuẩn bị tốt về dịch vụ
Tuy nhiên, với thời gian áp dụng ngắn hạn (1 năm) là một thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch trong quá trình triển khai. Bởi vì thông thường, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thường theo chiến lược trung hạn (3-5 năm), dài hạn (từ 5 năm trở lên) để các doanh nghiệp có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc marketing Công ty Du lịch TST tourist cho hay, thời gian 1 năm không đủ để hỗ trợ doanh nghiệp inbound Việt Nam tiếp cận và tổ chức thị trường, bao gồm chuẩn bị quảng bá, phát triển sản phẩm mới, thương lượng, khảo sát thực địa và tiến hành ký kết, tổ chức thực hiện.
Vì vậy, theo đề xuất của doanh nghiệp nên tiến hành việc miễn giảm visa có thời hạn từ 3 - 5 năm, tính từ thời điểm 1/2018. Như vậy, xét về sự chuẩn bị, doanh nghiệp có 6 tháng phối hợp tổ chức lại thị trường, các đối tác lữ hành ở thị trường châu Âu cũng có thời gian thông báo đến khách hàng và quảng bá sản phẩm, thu gom khách. “Sự định hướng chính sách mang tính dài hạn sẽ giúp cho doanh nghiệp các bên đủ thời gian chuẩn bị, nếu không sẽ bị vô hiệu hóa ngay từ khi ban hành chính sách, vì thói quen thị trường cần có kế hoạch du lịch rất xa, từ 6 tháng đến 1 năm” - ông Mẫn nói.
Đồng thời, để khai thác mạnh thị trường khách Tây Âu, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, chúng ta cần sự chuẩn bị tốt về chất lượng dịch vụ. Hiện nhiều thành phố có mặt bằng về hạ tầng, năng lực, tổ chức tốt nhưng cũng có nơi chưa được đảm bảo. Đặc biệt là vẫn tồn tại nhiều bất cập như về an ninh, vệ sinh, hạ tầng yếu kém đã gây không ít khó khăn. Mặt khác, cần sự hỗ trợ về các chính sách, mặt bằng cạnh tranh, giá cả phải thực sự hấp dẫn, chưa kể đến hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, điểm nhấn sản phẩm mới lạ...
Bên cạnh đó, ông Mẫn đề xuất, Việt Nam cần học hỏi cách tổ chức thị trường và chính sách liên kết, ưu đãi cho các thị trường khách chiến lược. Trong đó, khuyến khích các đoàn khách incentive (đoàn khách khen thưởng, cao cấp) với số lượng lớn sẽ được ưu đãi về thủ tục nhập cảnh nhanh, được tặng các gói xem biểu diễn miễn phí, tham quan và nghỉ lại ít nhất 1 đêm ở 1 - 2 thành phố, địa điểm du lịch chỉ định.... “Hình thức liên kết này sẽ khai thác sức mạnh tập thể, tạo được động lực thúc đẩy cho các địa phương giàu tiềm năng, tài nguyên nhưng thiếu kinh nghiệm tổ chức thực hiện. Mặt khác, sự phát triển tập trung, có định hướng sẽ giúp cho các tỉnh, thành có sự tăng trưởng đồng bộ về năng lực, hạ tầng, mặt bằng năng lực tổ chức.... Từ đó mới có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực trong việc thu hút nguồn khách từ thị trường tiềm năng như Tây Âu” - ông Mẫn chia sẻ.
Để đón đầu thị trường này, hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh nhạy làm mới sản phẩm. Ông Nguyễn Công Hoan cho biết, tại HanoiRedtour, ngoài dòng sản phẩm truyền thống như tham quan văn hóa, lịch sử công ty hiện đang xây dựng thêm hai dòng sản phẩm mới, đó là sản phẩm incentive và sản phẩm Việt Nam điểm đến của nghệ thuật để phục vụ khách Tây Âu.