Kết nối tiêu thụ, hướng đến tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn
Kết nối người sản xuất và tiêu dùng
Diễn ra từ ngày 04/10/2024 đến ngày 08/10/2024 tại đường Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, Hội chợ Tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024 thu hút sự tham gia của 80 doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố tham dự. Các sản phẩm tham gia Hội chợ là các sản phẩm thực phẩm an toàn, các sản phẩm tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Hội chợ Tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024 |
Mang đến hội chợ các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như đũa, thìa… làm từ cây đước Cà Mau, chị Nguyễn Thị Vân - đơn vị chuyên phân phối sản phẩm cho hay, với nguyên liệu được làm từ cây đước tại rừng trồng ngập mặn nên sản phẩm không sợ bị mốc, không nhuộm màu, đánh bóng; sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận an toàn cho người sử dụng. Đáng chú ý, đơn vị đã có cả sản phẩm đã OCOP 3 sao, hàng nông thôn tiêu biểu.
“Qua các kỳ hội chợ, công ty chúng tôi quảng bá rất tốt được sản phẩm của mình đến đối tác, khách hàng, nhiều đơn hàng được bán, đặt hàng ngay tại hội chợ”, chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.
Đũa đước Cà Mau không sợ bị mốc, không nhuộm màu, đánh bóng |
Nói về xu hướng tiêu dùng xanh, chị Nguyễn Thị Vân cho hay, người tiêu dùng hiện nay rất tin dùng các sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội trong việc kết nối, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm xanh đến gần với người tiêu dùng Thủ đô.
Ngoài việc tham gia hội chợ thì việc quảng bá, marketing sản phẩm của công ty còn gặp nhiều khó khăn khi mới chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, chưa ứng dụng được công nghệ vào việc bán hàng, do đó, thời gian tới, công ty cũng sẽ hướng đến việc bán hàng livestream, bán hàng qua mạng…
Đem đến Hội chợ các sản phẩm trà san tuyết cổ thụ Hà Giang, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vạn Long cho hay, phản hồi của người tiêu dùng Thủ đô rất tích cực, người dân mua sắm hồ hởi. Người tiêu dùng rất hài lòng vì những sản phẩm các doanh nghiệp mang đến Hội chợ Tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn vì đây đều là các sản phẩm có chất lượng rất cao, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền.
“Hôm nay tôi mang nhiều sản phẩm đặc trưng của Hà Giang là trà Shan tuyết cổ thụ Hà Giang với nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ trà truyền thống đến ủ lên men. Sản phẩm trà của tôi mang về Hà Nội được tiêu thụ rất tốt. Riêng bánh trà shan tuyết chủ yếu chúng tôi dành xuất khẩu, vài năm gần đây mới tiêu dùng thêm ở trong nước. Dòng trà ủ lên men có mấy loại như bánh sống lên men 45%, còn các dòng bánh chin lên men hơn 90%,…”, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ và cho biết kế hoạch từ giờ đến cuối năm với chuẩn bị nguồn hàng Tết: ngoài đơn đặt hàng của các công ty, chúng tôi có trữ sẵn một lượng hàng nhất định để bán cho bà con dịp Tết.
Đi Hội chợ, mua đồ dùng là thói quen của không ít người tiêu dùng trong đó có chị Nguyễn Phương Liên (Long Biên, Hà Nội). Trong giỏ hàng của chị sáng nay (5/10), bên cạnh những thực phẩm sạch đến từ Hạ Long, Sơn La, đũa đước cao cấp cũng được chị Liên chọn mua.
“80.000 đồng/10 đôi đũa không phải là đắt. Sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu chất lượng, không sợ bị mốc, không nhuộm màu, đánh bóng là điều tôi thích nhất. Đây là những vật dụng được sử dụng hàng ngày, liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên việc chọn lựa được tôi rất chú trọng. Trước đây, do lo ngại đũa bị mốc nên tôi có chuyển sang dùng đũa inox, nhưng sản phẩm có nhược điểm là gắp thức ăn bị trơn và ăn đồ như lẩu hay đồ nướng đũa hay bị nóng”, chị Liên chia sẻ.
Người tiêu dùng rất hài lòng vì những sản phẩm mà các doanh nghiệp mang đến Hội chợ Tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn vì đây đều là các sản phẩm có chất lượng rất cao, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền. |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 28/12/2023 của UBND Thành phố về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2024, Kế hoạch số 185/KH-SCT ngày 15/01/2024 của Sở Công Thương về công tác an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức Hội chợ tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Việc tổ chức Hội chợ không chỉ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng an toàn. Đây còn là cách để tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, các mô hình thực tiễn về sản xuất, phân phối thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng bền vững góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần thiết lập thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, góp phần kết nối nguồn hàng đa dạng từ các tỉnh, thành phố, các đơn vị, vùng sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2025.
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng
Kéo dài vòng đời sản phẩm bằng cách khuyến khích tái sử dụng, tái chế hoặc nguồn gốc thân thiện là phần quan trọng để hình thành nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2022, Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với 2014, hướng tới mục tiêu Net Zero vào 2050.
Đề án đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% chất thải nhựa và giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, đến nay ý thức về kinh tế tuần hoàn có cải thiện.
Để sống xanh, người tiêu dùng dần chấp nhận thử dùng sản phẩm từ nguyên liệu bền vững hơn trước. Tại Hội thảo Hành động hướng tới kinh tế tuần hoàn (VCEA) diễn ra mới đây, bà Rosi Trang Nguyễn - Giám đốc sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Social Changemaker - cho biết, nhóm khách hàng trẻ ngày càng có hiểu biết, ủng hộ và có thói quen hơn trong tiêu dùng xanh. Mưa dần thấm lâu, ý thức chung cả cộng đồng sẽ cải thiện.
Dù vậy, các sản phẩm nguồn gốc thân thiện thì vướng ở khả năng tiếp cận, ngay từ việc kết nối với phân khúc có nhu cầu. Mặt khác, nếu đẹp và xanh mà không tốt bằng sản phẩm thông thường thì cũng không thuyết phục được người mua. Do đó, câu chuyện chất lượng vẫn là vấn đề quan trọng nhất.