Thứ hai 23/12/2024 02:47

Hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, theo chuẩn mực quốc tế

Để đón những vận hội mới từ quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp (DN) logistics cần khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại, hướng đến cung cấp dịch vụ logistics mang tính chuyên nghiệp, theo các chuẩn mực quốc tế.

Quy mô nhỏ, cạnh tranh yếu

Quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử cao, vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng kết hợp với sự quan tâm của Chính phủ đã và sẽ tạo tiền đề thúc đẩy ngành dịch vụ logistics cũng như DN trong lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, hệ thống khung pháp lý và cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ logistics ngày càng được hoàn thiện, nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính của các bộ, ngành đã được lược bỏ, đơn giản hóa và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho DN.

Hệ thống bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa được nâng cấp, mở rộng

Kết cấu hạ tầng giao thông cũng có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, hệ thống bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng. Các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 DN. Trong đó, chủ yếu là DN vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%); DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và DN bưu chính chuyển phát (2,34%).

Đáng chú ý, có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, Kuehne + Nagel...

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất, lưu thông hàng hóa ở trong nước rất mạnh, là cơ hội tốt cho DN logistics. Tuy nhiên, đa số DN logistics là DN nhỏ và vừa. Điểm yếu của DN hiện nay, bên cạnh những vấn đề truyền thống như vốn, còn là kinh nghiệm, kỹ năng quản trị. Chính vì vậy, các DN logistics Việt Nam còn thua thiệt trong cạnh tranh cũng như chưa có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế để cọ xát. Bên cạnh đó, DN cung cấp các công đoạn khác nhau của chuỗi logistics như dịch vụ kho, vận tải… chưa có sự liên kết mang tính xâu chuỗi, đây cũng là điểm yếu của DN Việt Nam so với DN nước ngoài.

Do quy mô hạn chế khiến các DN logistics Việt Nam mới chỉ tham gia làm dịch vụ cung ứng đơn lẻ trong lãnh thổ Việt Nam như giao nhận, đóng gói, cho thuê kho bãi, hải quan... Trong khi đó, các dịch vụ tích hợp, mang tính liên vận quốc tế đều do các DN logistics nước ngoài cung cấp. Tiến sĩ Mai Xuân Thiệu - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam - cho rằng, báo cáo logistics Việt Nam trong những năm qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành logistics đạt 14 - 16%, song chi phí logistics còn cao, tương đương 15 - 19% GDP cho thấy, việc nâng cao năng lực của DN và cắt giảm chi phí logistics là vấn đề sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế và từng DN.

Cần sự nỗ lực lớn

Theo các chuyên gia, để nâng cao năng lực cạnh tranh, DN dịch vụ logistics cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của DN, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường. Tăng cường quảng bá, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ logistics.

Về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) - cho hay, để có được những DN logistics mạnh, ngoài việc chú trọng vào việc cung cấp vụ logistics với chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất, DN cần nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống có thể thích ứng linh hoạt với những biến động thị trường. Đặc biệt, cần đề cao quá trình chuyển đổi số trong quản lý logistics thông qua những ứng dụng cảng điện tử, giám sát tự động ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc khách hàng; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho DN logistics để họ đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động. Theo đó, chúng tôi mong muốn, Ngân hàng Nhà nước quan tâm đến việc thiết kế các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ DN. Tại những quốc gia phát triển, hệ số đòn bẩy tài chính (tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản hình thành từ vốn vay) có thể lên đến 1:6 hoặc 1:7 đối với ngành vận tải đường bộ khi DN logistics đi vay mua hoặc thuê mua tài chính phương tiện vận tải để phát triển dịch vụ. “Tại Việt Nam, tỷ lệ này thường là 1:2, nếu tính cả vốn lưu động và vốn cố định đầu tư vào một tài sản vay mua cụ thể. Đây chính là rào cản rất lớn cho các DN nhỏ và vừa có thể phát triển nhanh” - ông Trần Đức Nghĩa phân tích.

Một trong 6 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, đồng bộ được đưa ra tại Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021) đó là nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ.
Quỳnh Nga

Tin cùng chuyên mục

Chàng trai 8x lên phố núi Đà Lạt liên kết với các nông hộ trồng 100ha cà phê hữu cơ

Top 10 Hãng sơn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam

Trang bị kiến thức quản lý chuỗi cung ứng, phát triển mẫu mã và bao bì sản phẩm

Đắk Lắk: Sẽ đấu giá 2 ‘nữ hoàng’ sầu riêng tại Lễ hội sầu riêng 2024

Bắc Giang triển khai quản lý rượu sản xuất trong nước bằng tem điện tử

Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động chống gian lận thương mại qua các cửa khẩu

Căng thẳng Iran - Israel: Doanh nghiệp logistics cần làm gì để vượt qua khó khăn?

Vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia từ tháng 6/2024

Sơn La: Quyết liệt đấu tranh với hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và câu chuyện khởi nghiệp của nhà khoa học trẻ

Bài cuối: Phát huy giá trị tài sản trí tuệ trong phát triển kinh tế

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài

Bài 2: Nâng tầm giá trị quả vải thiều tại thị trường nước ngoài

Bài 1: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực

Bánh sắn - đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ

Bánh tẻ Phú Nhi - sản vật nổi tiếng gần xa của Sơn Tây

Nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế

Tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng: Cần đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường

Mua thiết bị vệ sinh không rõ xuất xứ: Tưởng rẻ hóa đắt

Giả mạo hồ sơ sẽ bị thu hồi Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa