Hội nghị về Hội nhập kinh tế quốc tế 2023 cho cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang
Triển khai Kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT) tổ chức Hội nghị cập nhật thông tin về Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) 2023 cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của văn phòng UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và trực tuyến tới 15 huyện vào ngày 15/6/2023 tại TP. Rạch Giá.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổng Thư ký BCĐLNKT; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Huỳnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh; Chánh Văn phòng BCĐLNKT Trịnh Minh Anh và Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa và khoảng 110 đại biểu của Tỉnh.
Tại phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh chia sẻ, Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó các FTA thế hệ mới đã đi vào thực thi những năm gần đây như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,… đang mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư cũng như có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Đến nay, Kiên Giang đã ký kết quan hệ hợp tác, hữu nghị với 12 địa phương và 2 trường đại học nước ngoài của 6 quốc gia gồm Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan và hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp, thủy sản, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế,… Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh đạt 802 triệu USD, trong đó một số mặt hàng có kim ngạch lớn như gạo đạt 176,3 triệu USD; thủy sản đạt 281 triệu USD; giày da đạt 164,2 triệu USD,… với thị trường xuất khẩu tới 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 155 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 410 triệu USD, đạt 47,7% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ; với 40 thị trường xuất khẩu, giảm 4 thị trường. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78 triệu USD, đạt 48,8% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh: Việc đề ra chủ trương tăng cường HNKTQT là hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng ta đã lựa chọn, thể hiện sự thay đổi thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại. Với tính biến động không ngừng của HNKTQT, Đảng đã liên tục đề ra những chủ trương hội nhập phù hợp cho từng thời kỳ kể từ giai đoạn đổi mới đất nước tại Đại hội VI cho tới Đại hội XIII của Đảng. Vấn đề hiện tại đặt ra là cần phải tiếp tục thúc đẩy tiến trình HNKTQT của nước ta trong thời gian tới để tận dụng tốt các cơ hội phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế đất nước, kịp thời ứng phó, linh hoạt thích nghi với những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổng Thư ký BCĐLNKT phát biểu tại hội nghị |
Với sự đồng hành của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, HNKTQT của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: (i) Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế; (ii) Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; (iii) Thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại; (iv) Góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, năm 2022 ghi nhận là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư thương mại hơn 11 tỷ USD, góp phần tích cực nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng có sự cải thiện liên tục theo hướng tích cực khi giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu (tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên mức 89% (năm 2022). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD tăng nhanh từ 9 mặt hàng năm 2006 lên 36 mặt hàng vào năm 2022, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Việt Nam cũng đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư FDI, đến hết năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 439 tỷ USD với hơn 36 nghìn dự án đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ,...)
Thứ trưởng cũng đã trình bày tóm tắt một số kết quả mà HNKTQT đã thực hiện trong năm 2022 về thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới; về công tác đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA (đã kết thúc đàm phán FTA Việt Nam và I-xra-en (VIFTA), kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; khởi động đàm phán FTA giữa ASEAN - Canada (ACaFTA); đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thực hiện phiên thảo luận thứ nhất về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện CEPA với Các tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất,...); về công tác triển khai, tổng kết các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ về HNKTQT như: tổng kết 7 năm triển khai Nghị quyết 49/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất ban hành Nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới, tổng kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực,…
Sau khi phân tích về tình hình kinh tế - chính trị thế giới thời gian tới tiếp tục sẽ đối mặt với những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Thứ trưởng đưa ra các quan điểm và định hướng cụ thể cho công tác HNKTQT nói chung và đặc biệt đối với Kiên Giang trong việc ưu tiên và cân đối nguồn lực tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch thực hiện các FTA; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là năng lực thực thi HNKTQT để có thể tận dụng được lợi ích mang lại từ các FTA đã ký kết; triển khai các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh vượt qua những khó khăn lớn về sản xuất, kinh doanh, nguồn tín dụng, vốn, thị trường tiêu thụ, logistic,...
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng BCĐLNKT Trịnh Minh Anh đã thông tin chi tiết đến các đại biểu tình hình triển khai thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEF, UKVFTA, khai thác cơ hội, giảm thiểu thách thức và đưa ra các khuyến nghị sát thực đối với Kiên Giang. Đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày chuyên đề về các cơ hội đối với hàng nông sản, thủy sản trong các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra đối với địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và các chuyên gia, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt công tác HNKTQT trong năm 2023 và những năm tiếp theo để đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Kiên Giang.
Trước đó, vào chiều 14/6/2023, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với Văn phòng BCĐLNKT tổ chức thành công Hội nghị dành cho doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng khai thác cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường FTA mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP,.. với sự tham dự của 110 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.