Hoà Bình: Hiệu quả từ việc quy hoạch chợ gắn với quy hoạch của địa phương
Lên với những huyện vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Hoà Bình sẽ thật thú vị nếu được ghé vào các phiên chợ, chứng kiến không khí trao đổi, mua bán hàng hoá của đồng bào, cảm nhận những nét văn hóa riêng có của mỗi vùng miền.
Là chợ thuộc vùng cao nhưng rất đông và sôi động |
Theo Quyết định số 2140/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hoà Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, Sở Công Thương Hoà Bình đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô, tính chất đầu tư theo quy hoạch và hỗ trợ vốn cho đầu tư, xây mới nâng cấp, cải tạo các chợ.
Theo đó, đến nay tỉnh Hòa Bình có 95 chợ. Trong đó có: 1 chợ hạng I; 10 chợ hạng II và 84 chợ hạng III. Hầu hết các chợ là kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki ốt trong chợ đã từng bước được đầu tư khang trang, sạch sẽ; nền chợ, giao thông trong chợ được bê tông cứng hóa, hệ thống thoát nước, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Mọi hoạt động quản lý chợ truyền thống đều do Ban quản lý hoặc Tổ quản lý thực hiện theo đúng quy định, góp phần duy trì trật tự kỷ cương đối với hoạt động mua bán.
Trong số 95 chợ hiện có ở Hoà Bình, có 2/3 số chợ thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chợ hầu hết hoạt động theo hình thức chợ phiên. Do phần lớn dân số tỉnh Hòa Bình sống ở nông thôn và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên chợ nông thôn vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đại bộ phận dân cư, trong đó có đồng bào các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông.
Tại chợ phiên, nhiều nông sản được bày bán rất bắt mắt |
Chợ nông thôn vừa là nơi tiêu thụ các loại sản phẩm của người dân làm ra, cũng là nơi thu gom các loại hàng hoá, tạo ra khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, đồng thời đảm bảo vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới chợ nông thôn, trong đó có các chợ phiên, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, cũng là nơi giao lưu văn hóa vùng miền của đồng bào các dân tộc. Hàng năm, mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh không những tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, mà còn tạo ra một nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương.
Những năm qua, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Với hoạt động xây dựng nông thôn mới ở Hoà Bình, chương trình cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều xã đã hoàn thành các tiêu chí cơ bản và chuyển sang thực hiện tiêu chí nâng cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn.
Bên cạnh các tiêu chí nông thôn mới khác, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng xây dựng tiêu chí chợ truyền thống nông thôn. Trong đó, yêu cầu quan trọng là quy hoạch chợ phải gắn với quy hoạch chung của địa phương, tránh tình trạng chợ xây xong bỏ hoang, không sử dụng được.
Theo đó, để xây dựng chợ đáp ứng nhu cầu của người dân, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã được hỗ trợ đầu tư xây mới và cải tạo, nhất là các xã khó khăn. Đến nay, đã có nhiều chợ được đầu tư xây mới và nâng cấp sửa chữa. Một số chợ sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn mở rộng giao thương hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, phục vụ tốt hơn đời sống của đồng bào các dân tộc.
Với vai trò, chức năng của mình, hàng năm, Sở Công Thương Hoà Bình đều tổ chức Lớp đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý chợ, nghiệp vụ chợ cho cán bộ, công chức, viên chức các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Công Thương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế huyện Lương Sơn, Ban quản lý chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị kiến thức về công tác quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trong tình hình hiện nay; định hướng, chính sách phát triển của Nhà nước đối với công tác quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và các quy định về công tác quản lý chợ.
Hàng hóa được bày bán tại chợ phiên khá phong phú |
Song song với việc hoàn thành xây dựng mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Đà Bắc, năm 2023, Sở Công Thương Hoà Bình đã tham mưu ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 3 Đề án khuyến công tỉnh Hoà Bình năm 2023 gồm các nội dung: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến cá”; “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn” và “Thông tin tuyên truyền hoạt động khuyến công”. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông lâm sản và chế biến thực phẩm; Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trong thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022… nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nông thôn của Hoà Bình đến nay đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương, đáp ứng dần nhu cầu về giao lưu, trao đổi hàng hoá giữa thương nhân và bà con dân tộc ở các bản, làng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, chợ tiếp tục phát huy được vai trò là kênh phân phối bán buôn, bán lẻ chủ yếu của địa phương, đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng; giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản địa phương.