Hiệu trưởng đòi kỷ luật học sinh quay video ở Sóc Sơn; dừng giao dịch tài sản ca sĩ Khánh Phương
Hiệu trưởng đòi kỷ luật học sinh quay video ở Sóc Sơn Liên quan đến vụ học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp ở Trường THPT Đa Phúc, mạng xã hội đang xôn xao thông tin kỷ luật học sinh quay video ghi lại sự việc. Đoạn video ghi lại hình ảnh cô N.T.P - giáo viên trường THPT Đa Phúc - có hành vi túm cổ áo, kéo lê học sinh trước cửa lớp. Lý do nữ sinh này mua bánh sinh nhật không đúng theo yêu cầu của cô chủ nhiệm. Ông hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội, khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật học sinh đưa video lên mạng. Việc phát tán video đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh. Ông cho rằng: “Giả sử bạn học sinh trong video tâm lý không tốt và nghĩ dại dột, do đó, khi làm việc gì phải hết sức cân nhắc”. Giáo viên túm tóc, kéo lê học sinh chỉ vì đặt bánh sinh nhật không đúng theo ý mình còn chưa biết cân nhắc, đòi hỏi một học sinh cân nhắc khi tận mắt chứng kiến cô giáo bạo hành bạn học của mình - một nữ sinh. Hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh bị ảnh hưởng là do hành động của giáo viên, đó mới là bản chất của vụ việc, không phải do video đưa lên mạng xã hội. Xét một mặt nào đó, video đưa lên mạng xã hội có yếu tố tích cực, vì cộng đồng biết đến vụ việc, sự thật bị phanh phui. Tác động lâu dài là nhiều người lấy đó làm gương, không dám hành động sai trái vì có thể bị ghi hình và công bố công khai trước thiên hạ. Câu hỏi đặt ra là nếu không có đoạn video đó xuất hiện trên mạnh xã hội, thì thầy hiệu trưởng, học sinh, phụ huynh và xã hội có biết vụ việc cô giáo bạo hành học sinh không, hay lại chìm xuồng. Chưa kể nếu không có học sinh quay lại vụ việc thì không chứng không cứ để xử lý cô giáo. Cho nên, cũng phải xét từng vụ việc cụ thể, để đánh giá hành vi, động cơ của người đưa video lên mạng. Trong các vụ tương tự như vụ này, hành vi của cô giáo, thầy giáo mới đáng xem xét, hơn là chuyện học sinh đưa video lên mạng. Ý của thầy hiệu trưởng cũng có lý, phải giáo dục học sinh ứng xử trên mạng, cân nhắc việc gì nên làm, việc gì không nên. Giáo dục là tốt, nhưng không phải chuyện gì cũng đòi xử lý theo quy định của pháp luật, "kỷ luật thích đáng" đối với học trò của mình.
Lâm Đồng tạm dừng thực hiện giao dịch tài sản của ca sĩ Khánh Phương và nhiều người khác
Báo Tiền Phong, ngày 3/10, đưa tin: Sở Tư pháp Lâm Đồng đã gửi văn bản cho các tổ chức công chứng tại địa phương đề nghị tạm dừng giao dịch tài sản ca sĩ Khánh Phương cùng 11 cá nhân và 1 doanh nghiệp để phục vụ công tác điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam.
Doanh nghiệp bị tạm dừng giao dịch tài sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là Công ty CP Đầu tư Nhật Nam Khang, trụ sở tại tầng 17 tòa nhà Vincom Center, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
12 cá nhân bao gồm: Ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương 42 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lâm Nhi (30 tuổi, cùng ngụ TP. HCM), ông Vũ Duy Nga (61 tuổi), ông Vũ Văn Hoàng (32 tuổi), Lê Văn Hảo (36 tuổi) và bà Lưu Thị Luật (64 tuổi, cùng ngụ Thanh Hóa), ông Vũ Văn Hùng (35 tuổi), bà Ngô Thị Quyên (47 tuổi), ông Nguyễn Quang Đại (44 tuổi) và ông Nguyễn Văn Minh (49 tuổi, cùng ngụ TP Hà Nội), ông Nguyễn Anh Tuấn (51 tuổi, Hưng Yên) và ông Trần Thiện Tâm (33 tuổi, Lâm Đồng).
Ca sĩ Khánh Phương là chồng Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam. Ảnh: Internet |
Đồng thời với việc tạm dừng giao dịch tài sản đang đứng tên chủ sở hữu, cơ quan chức năng còn đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rà soát cung cấp thông tin, tài liệu, tạm dừng giao dịch các tài sản đã chuyển nhượng phát sinh từ ngày 2/7/2019 đến nay đối với 12 cá nhân và 1 doanh nghiệp nêu trên.
Trước đó, ngày 30/8, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, đến ngày 8/9 quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, ngụ Thanh Hóa), Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cuộc họp báo ngày 2/10, do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, quá trình điều tra từ năm 2020 - 2022, công ty này đã thu được khoảng gần 9 nghìn tỷ đồng từ khoảng 20 nghìn cá nhân thông qua hơn 45 nghìn hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng).
Công ty đã sử dụng số tiền này để chi trả tiền gốc và lãi cho các cá nhân, với số tiền khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng; chi phí cho hoạt động của công ty thông qua tài khoản ngân hàng lên tới 520 tỷ đồng và đã chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Thúy sử dụng cá nhân khoảng trên 600 triệu đồng…
Vụ cháu bé tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem: Kiểm tra cơ sở và xưởng sản xuất Công ty bánh Givral
Theo Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 3/10, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra tại cửa hàng bánh Givral (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh); lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân vì liên quan đến thông tin một trẻ tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem.
Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm tại cơ sở. Kiểm tra xưởng sản xuất bánh su kem (Choux tròn) tại Lô II - 1B Lê Trọng Tấn, Khu Công Nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm tại cơ sở, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 6 mẫu để đi kiểm nghiệm (1 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu làm bánh).
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Công an thành phố Thủ Đức để tiến hành xác minh vụ việc liên quan với Công ty Cổ phần Bánh Givral, phối hợp với UBND TP. Thủ Đức tiến hành điều tra, nhanh chóng khắc phục phục sự cố, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; khẩn trương phối hợp các bệnh viện điều trị tốt nhất cho các nạn nhân. UBND phường An Phú phối hợp Phòng y tế và các ngành liên quan thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân.
Trước đó, chiều 29/9 chung cư Palm Heights (TP. Thủ Đức) tổ chức Trung thu cho các cháu là con em của cư dân sống trong chung cư và con em một số nhân viên phục vụ tại chung cư. Ban tổ chức đã phát quà, phát bánh cho các cháu.
Chung cư có mua 230 phần bánh su kem của cửa hàng bánh Givral trên địa bàn quận Bình Thạnh để phát cho các cháu ăn. Đến ngày 30/9, có 1 cháu 6 tuổi, có biểu hiện nôn, ói và tử vong trên đường đi cấp cứu; ngày 1/10, có 5 cháu ăn bánh có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, sốt. Đến sáng 2/10, có nhiều cháu có biểu hiện tương tự.