Hiệp định RCEP tạo “đường bay thẳng” cho xuất khẩu điều
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực kể từ đầu năm 2022 mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam khi có thêm một con đường xuất khẩu và nhập khẩu riêng... cho ngành điều. PV Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) xoay quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết những tác động của Hiệp định RCEP đối với hoạt động xuất khẩu điều?
Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2022. Đây là hiệp định thương mại tự do quan trọng, được ký giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand. Đây đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành điều Việt Nam.
Được biết, đối với nhân điều sơ chế (mã HS: 08013200), thuế nhập khẩu vào các thị trường RCEP hầu như không có thay đổi trước và sau khi ký kết hiệp định (đều bằng 0%).
Ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam |
Đối với các sản phẩm nhân điều chế biến sâu (VD. Mã HS 2008.19.00,…), mức thuế nhập khẩu trước khi ký hiệp định là 5% và sau khi ký kết hiệp định là 0%. Đây có thể nói là lợi thế để các doanh nghiệp chế biến sâu đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường này trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp trong ngành điều đã khai thác thị trường RCEP ra sao? Thưa ông?
Hiện nay các doanh nghiệp ngành điều đều đang rất quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và hiệu lực thi hành, trong đó có Hiệp định RCEP bởi đây là những thị trường có vị trí chiến lược của ngành điều Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang tiếp cận trực tiếp và làm việc hiệu quả với các đối tác lớn của khối, tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu, tập quán thương mại và từng bước nâng cấp cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu chuẩn, kỹ thuật để đáp ứng cho khách hàng.
Năm 2021, khối thị trường RCEP đang chiếm 17,25% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, lớn nhất là thị trường Trung Quốc với 10,56% thị phần.
Hạt điều Việt Nam cũng đang chiếm thị phần nhập khẩu vượt trội của những quốc gia trong khối RCEP; hạt điều Việt Nam chiếm 99% thị phần nhập khẩu nhân điều của Australia, 97,8% của Trung Quốc, 97,66% của New Zealand, 78,61% của Hàn Quốc, 55,22% của Nhật Bản,… (ITC, 2020).
Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn, vướng mắc gì khi khai thác các thị trường khối RCEP, thưa ông?
Nhìn vào số liệu về tổng sản lượng và thị phần nhập khẩu nhân điều Việt Nam vào các thị trường thuộc khối RCEP thì có thể thấy hạt điều Việt Nam đang chiếm thị phần dường như vượt trội ở những thị trường này. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh vẫn luôn tìm cách gia tăng thị phần, vì vậy ngành điều Việt Nam cần phải luôn tập trung và đổi mới, sáng tạo mới có thể duy trì vị thế tại các thị trường này trong thời gian tới.
Hiện nay đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp chiên rang hạt hàng đầu trong RCEP đã nhanh chân tới Việt Nam từ sớm, đầu tư, liên doanh, mở nhà máy chế biến và xuất khẩu hạt điều để chế biến và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Ngành điều cần tăng cường chế biến sâu để tận dụng lợi thế từ Hiệp định RCEP |
Cũng như các mặt hàng nông sản khác, doanh nghiệp ngành điều cũng đang phải gánh chịu những khó khăn chung do môi trường kinh tế - xã hội - chính trị thế giới, xung đột Nga - Ukraina, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp ở một số quốc gia, như Trung Quốc còn đang áp dụng chính sách “Zero Covid”. Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động trong ngành logistics, tình hình kẹt cảng, “đóng biên”, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải liên tục tăng cao,…
Bên cạnh đó, tình hình kiểm soát chất lượng ngày càng nghiêm ngặt của các quốc gia trong khối, đặc biệt là thị trường Trung Quốc như Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các chính sách kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu của cơ quan quản lý chuyên ngành của Trung Quốc,… Một số doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu phản ánh: Theo chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc, những lô hàng nhập khẩu vào Trung Quốc và bày trên kệ hàng, nếu phát hiện sâu, mọt chết sau khi kiểm tra (tách đôi hạt điều nguyên) sẽ bị phạt nặng và buộc phải thu hồi hàng,...
Trước những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp cần làm gì để mở rộng xuất khẩu, gia tăng thị phần tại các thị trường này, thưa ông?
Hiện nay, ngành điều cần tập trung vào đề án tái cơ cấu ngành điều. Ngoài yếu tố nâng cao xuất xứ nội khối để hưởng ưu đãi (gia tăng sản lượng hạt điều Việt Nam) thì vấn đề tổ chức lại sản xuất, phải hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất tới khâu chế biến và thương mại là việc phải làm triệt để. Đặc biệt, về phát triển thị trường, phải chú ý cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài,...
Trong cơ cấu xuất khẩu hạt điều hiện nay, nhân điều sơ chế chiếm tỷ trọng trên 90%, còn các sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 10%; chế biến sâu có thể làm tăng giá trị xuất khẩu lên ít nhất 20% so với sản phẩm sơ chế - đây là cơ hội song cũng là thách thức cho các nhà máy chế biến.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, thường chúng ta chậm chân hơn nhưng theo tôi thì “chậm mà chắc”, cơ hội chính cho các doanh nghiệp Việt là tạo được “đường bay thẳng” tới các thị trường trong khối, tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng cuối thay vì phải qua trung gian.
Với các doanh nghiệp nhỏ và “start-up” thì đây cũng đang là cơ hội rất lớn vì thị trường ngày càng mở và tự do, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức.
Đối với những doanh nghiệp lớn đã hình thành mô hình sản xuất tập trung, chế biến sâu, liên doanh, liên kết và mở văn phòng đại diện tại các quốc gia trong khối, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thương mại, tham dự các hội chợ, triển lãm lớn tại các thị trường này,… nhằm mục đích đón đầu thị trường - đây chính là những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn hiện nay.
Về sản xuất, với dư địa về sản xuất điều còn rất lớn, đây chính là cơ hội để gia tăng giá trị xuất xứ nội khối để tận hưởng ưu đãi về C/O của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Ngoài ra, chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố sống còn quyết định đến uy tín và thương hiệu của hạt điều Việt Nam và giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu, duy trì thương hiệu của doanh nghiệp và của ngành, do đó Vinacas đề nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến, tăng cường khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và ngành hàng, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu cho hạt điều Việt Nam; hỗ trợ Vinacas và doanh nghiệp trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại (trong và ngoài nước) cho sản phẩm hạt điều.