Thứ hai 23/12/2024 09:12

Hiện thực hóa cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU từ EVFTA

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi (từ tháng 8/2020 đến nay), các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích bước đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới

Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là hàng dệt may, da giày, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, hàng điện tử.... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp... Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ hiệp định này.

Trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế rất cao (trên 65 EUR/tấn), nhưng ngay từ ngày 01/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%

Tiêu biểu như với mặt hàng gạo, trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế rất cao (trên 65 EUR/tấn), nhưng ngay từ ngày 01/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Riêng với mặt hàng tấm không bị áp hạn ngạch và cũng được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 5 năm. Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được những đơn hàng xuất khẩu gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU, thậm chí có lô hàng lần đầu tiên được xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn.

Việc này đã lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng và giá. Cùng với gạo, hàng loạt lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0% theo cam kết trong EVFTA như chanh leo, tôm sú, bưởi, thanh long, vali, túi xách, giày dép ...

Hay về thị trường, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ tháng 8 - 11/2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt 3,44 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Đức trong 4 tháng sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường này giảm 19,3%.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam, khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, nhiều thị trường siết chặt hàng rào phi thuế quan, gia tăng bảo hộ trong nước... thì việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và cũng mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19.

Sức ép để doanh nghiệp Việt điều chỉnh

Mặc dù cơ hội của Việt Nam trong thực thi EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng hiệu quả các cam kết trong EVFTA, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Đó là các cam kết về quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại, các vấn đề về pháp lý, thể chế, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường.…

Các chuyên gia nhận định, thách thức của EVFTA là sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường EU.

Đối với hàng nông sản, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho các nông sản Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu mà còn mở ra cơ hội cho nhiều đặc sản khác tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có năng lực đáp ứng các yêu cầu từ phía những nhà nhập khẩu EU về hàng nông sản, thực phẩm khi có hơn 6.335ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu; hơn 5.000ha trang trại thuỷ sản được công nhận áp dụng VietGAP/GlobalGAP; 100% trang trại cá basa xuất khẩu được cấp mã xuất xứ; 100% tàu đánh bắt cá cam kết nói không với đánh bắt cá trái phép (IUU fishing)...

Đối với ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ nội địa hóa cao, nhiều vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng dần chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu sang các thị trường có FTA với EU, đáp ứng được yêu cầu quy tắc “xuất xứ cộng gộp” mà EVFTA đưa ra như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Đối với các ngành hàng khác, nhiều doanh nghiệp cũng đã tích cực chủ động tìm hiểu nhằm đáp ứng các điều kiện C/O để tận dụng ưu đãi và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác bao bì cũng như chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc thông tin để phát triển sản phẩm tại thị trường EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.

Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu bởi chưa nhiều doanh nghiệp bắt nhịp được để đưa hàng hóa vào thị trường EU theo tiêu chuẩn của EU. Trong dài hạn, khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia, tiếp cận vào thị trường này buộc phải tiếp tục thay đổi nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà EU đã quy định.

Thay vì nỗ lực gia tăng sản lượng, cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường thông qua đầu tư công nghệ, kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn EU…

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần nắm chắc, đầy đủ, chính xác những cam kết trong EVFTA liên quan đến lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có nền tảng, cơ sở hành động, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch để khai thác cơ hội từ EVFTA hiệu quả nhất.

Năm 2021, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát tốt hơn, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế EU nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại, mặc dù mức hồi phục chậm. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cam kết trong Hiệp định EVFTA hiệu quả hơn.
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024