Thứ ba 29/04/2025 00:37

Hãy yêu nước bằng những việc làm nhỏ nhất như đừng xả rác khi dự đại lễ

Tình yêu đất nước trỗi dậy những ngày này khi những đoàn quân tham gia tổng duyệt diễu binh mừng thống nhất đất nước đi giữa đông đảo người dân TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện 50 năm mới có

Những ngày này, nhiều người có dịp thể hiện tình yêu đất nước khi theo dõi từng đoàn quân tham gia tổng duyệt diễu binh mừng thống nhất đất nước bước đi chỉnh tề, từng ánh mắt sáng rực hướng về phía trước, từng lá cờ tung bay trong gió.

Đó là khoảnh khắc mà những người có may mắn được chứng kiến đều không khỏi cảm thấy sự gắn kết vô hình giữa mình với đất nước, với lịch sử hào hùng cha ông để lại.

Mỗi bước chân, mỗi tiếng nhạc, mỗi khẩu hiệu vang lên như nói rằng, chúng ta là một dân tộc kiêu hãnh, đoàn kết, sẵn sàng tiến lên vì tương lai chung. Không thể phủ nhận, đây là một trong những sự kiện được tổ chức công phu, bài bản và đẹp mắt nhất trong thời gian gần đây.

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ảnh minh họa.

Những bộ đồng phục được chuẩn bị tỉ mỉ, từng động tác di chuyển đồng đều như một, hàng ngũ thẳng tắp khiến người xem không khỏi ngẩn ngơ, trầm trồ. Các khối diễu binh không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự mà còn truyền đi thông điệp về sự văn minh, hiện đại và khí chất của một dân tộc đang từng ngày vươn cao, vươn xa.

Hãy hành xử văn minh từ việc làm nhỏ nhất

Thế nhưng, trong sự hoàn mỹ ấy, lại hiện ra một nốt nhạc lạc điệu đến phản cảm: Những bãi rác ngổn ngang do chính những người đi xem để lại.

Khi các khối diễu binh đã qua, khi tiếng nhạc hào hùng vừa dứt, người ta không khỏi nhức nhối đến bàng hoàng nhận ra dưới chân mình là vô số chai nhựa, ly giấy, túi nilon bị vứt bừa bãi không thương tiếc. Những thảm cỏ xanh bị dẫm nát, những lề đường sạch bỗng hóa thành “bãi chiến trường” của rác thải.

Có những bàn tay vẫy cờ trong xúc động trước từng đội hình diễu qua, nhưng ngay sau đó, cũng lại có những bàn tay thản nhiên buông chai nước xuống đất, quẳng túi nilon ra lề đường, như thể trách nhiệm giữ gìn vẻ đẹp chung là của ai đó khác chứ không phải của mình.

Phải chăng sự tự hào, sự yêu nước mà họ vừa thể hiện chỉ dừng lại ở lời nói, ở cảm xúc nhất thời? Phải chăng trong mắt họ, vẻ đẹp đất nước chỉ quan trọng khi nó xuất hiện trên những khối diễu binh lộng lẫy, còn bãi rác dưới chân thì... chẳng liên quan gì?

Thật trớ trêu khi mọi người hân hoan với màn trình diễn đầy kỷ luật thép nhưng lại có những người thờ ơ với kỷ luật tự giác đơn giản nhất- giữ gìn vệ sinh môi trường chung!

Yêu nước, không chỉ là tự hào khi thấy quân đội ta mạnh mẽ, đất nước ta phát triển, mà còn là ý thức gìn giữ từng con đường sạch, từng bồn hoa, bãi cỏ không bị tổn thương. Chỉ cần một hành động thiếu ý thức nhỏ, ta đã tự làm nhòe đi hình ảnh đẹp mà bàn tay hàng nghìn người dày công xây dựng.

Không ai có thể phủ nhận quy mô và sự đầu tư cho buổi diễu binh này. Không ai phủ nhận cảm xúc tự hào khi chứng kiến những hàng quân băng băng tiến bước.

Nhưng chính trong sự đối lập giữa vẻ đẹp diễu binh và hình ảnh rác thải nhếch nhác sau đó khiến chúng ta buộc phải tự hỏi mình: Liệu chúng ta đã thực sự trưởng thành về ý thức chưa? Chúng ta đã thực sự xứng đáng với những điều tốt đẹp mà đất nước này đang nỗ lực mang lại chưa?

Một xã hội văn minh khởi nguồn từ những cách từng cá nhân hành xử trong những điều nhỏ bé nhất. Hãy tự soi mình qua những mảnh rác bị vứt lại hôm nay. Hãy tự hỏi: ta có xứng đáng với những điều tuyệt vời mà ta vừa vỗ tay ca ngợi?

Chỉ khi nào lòng tự hào dân tộc thấm vào từng hành động, từng thói quen, đến cả từng hơi thở của mỗi người dân, khi đó chúng ta mới thực sự mạnh mẽ như những đoàn quân sáng nay bước sải dài đầy kiêu hãnh trên phố.

Mong lắm một tinh thần với với mỗi người ở những sự kiện lớn không chỉ thể hiện niềm tự hào qua ánh mắt, tiếng reo vui mà còn cần cả việc giữ môi trường, giữ vệ sinh để những hình ảnh đẹp được trọn vẹn từ sân khấu chính đến những góc phố.

Diễu binh đẹp ở tinh thần kỷ luật và đường phố cũng cần đẹp ở tinh thần văn minh từ mỗi người dân.

Một cuộc diễu binh đẹp cần công sức của hàng vạn con người. Một bức tranh quê hương sạch đẹp cũng cần công sức của từng người. Xin đừng để những hình ảnh đẹp đẽ kia chỉ tồn tại trong vài giờ ngắn ngủi rồi bị xóa nhòa bởi chính sự vô tâm, thờ ơ của chúng ta.
Quang Lộc
Bài viết cùng chủ đề: bảo vệ môi trường

Tin cùng chuyên mục

Ý nghĩa chính trị to lớn của các cuộc duyệt binh lịch sử

Từ tầm nhìn của Tổng Bí thư: Việt Nam - một dân tộc, một tương lai

Người dùng gặp hoạ vì hàng giả 'núp bóng' thương hiệu ngoại

Trục lợi trên sức khỏe cộng đồng: Xử lý nghiêm, không khoan nhượng!

Cần hiểu đúng về 'chứng nhận FDA', tránh lợi dụng quảng cáo sai

Hai câu chuyện về thuế và góc nhìn đa chiều

Thanh Hoá: Lắng nghe lòng dân từ việc 'số hóa' tên phường, xã sau sáp nhập

Thấy gì khi giới trẻ háo hức trước giờ hợp luyện diễu binh lần 2?

Chuyển quyền để chuẩn hóa quản lý, nhưng không làm gãy mạch xuất khẩu

Ớt, chanh leo, tổ yến và ‘giấc mơ lớn’ ở thị trường tỷ dân

Giữa ngày hội non sông, nghệ sĩ đừng buông lời vô cảm

Sữa giả tung hoành nhờ ‘chợ trời quảng cáo’ mạng xã hội

Muốn làm nghề giữ trẻ, trước tiên cần phải giữ mình

Mai Ly giễu nhại chế tài, Chu Thanh Huyền cảnh cáo ‘sân si’ - pháp luật đang bị ‘bỡn cợt’?

Vụ sữa giả: Đừng gắn sai trách nhiệm của Bộ Công Thương

Chuyển đổi năng lượng: Cần thể chế, vốn và con người

Giáo dục đổi thay từ một quyết sách nhân văn

Loạt sao Việt quảng cáo sai sự thật: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Kẹo Kera, 600 loại sữa giả và 'bùa hộ mệnh' của gian thương

Đạo đức giá bao nhiêu?