‘Hành quân xuyên Việt’ hay câu view bán hàng?
Với ưu điểm là một ứng dụng xây dựng clip ngắn, dễ tạo xu hướng trên mạng xã hội, chỉ cần lập kênh /chu-de/tiktok.topic, quay những video ngắn với content (nội dung) ấn tượng hay chiêu trò gây sốc, nhiều người có thể dễ dàng được cả thế giới biết đến và trở thành "ai-đồ-tóp-tóp". Từ đó nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp và hợp đồng quảng cáo.
Mới đây, mạng xã hội đã "dậy sóng" trước content mặc trang phục bộ đội "hành quân xuyên Việt" của hai thanh niên đã xuất ngũ.
Theo đó, trên trang TikTok hơn 257.000 lượt theo dõi mang tên Bùi Đình Thức liên tục đăng tải nhiều video về hành trình đi bộ của Thức và người bạn tên Hiệp qua nhiều địa danh.
Ảnh chụp màn hình kênh TikTok Bùi Đình Thức |
Video trên kênh đều được đặt tiêu đề bắt đầu bằng cụm từ "hành quân xuyên Việt" như: "Hành quân xuyên Việt thì ăn ngủ ở đâu?", "Hành quân xuyên Việt làm gì để kiếm tiền?", "Hành quân xuyên Việt mà bị kiểm tra giấy tờ sẽ như thế nào?", "Hành quân xuyên Việt trải nghiệm đặc sản"…
Những video này thu thút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Nhiều người bày tỏ ngưỡng mộ về hành trình dám nghĩ dám làm, họ cũng chờ đón hai thanh niên này trên đường để tặng nước, đồ ăn.
Quả thực, theo dõi nội dung kênh không thể phủ nhận những điều tích cực đã được truyền tải, nhưng việc sử dụng từ "hành quân" thì lại "nghe sai sai"…
Hành quân được định nghĩa là việc di chuyển có tổ chức của các đơn vị lực lượng vũ trang theo các tuyến đường quy định để đến địa điểm nhất định với thời gian cho phép. Hành quân là một chế độ rèn luyện quen thuộc của các chiến sĩ trong quân đội.
Vậy nên đã giải ngũ đừng dùng từ "hành quân". Thử thách này thực chất chỉ là ý tưởng cá nhân, đi bộ và trải nghiệm.
Trước kia, đã có không ít người trẻ đi xuyên Việt bị "ném đá" vì lãng phí thời gian, sức khoẻ, nhưng vì sao trường hợp này lại nhận được sự ủng hộ? Phải chăng đó là do việc làm content lập lờ, lạm dụng hình ảnh người lính?
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân. Có hay không việc đi xuyên Việt là chiêu trò thu hút chú ý, từ đó hướng đến mục đích cuối cùng là bán hàng?
Bản thân chủ tài khoản sau khi được chú ý trên mạng xã hội cũng đã liên tục livestream bán hàng và gắn giỏ hàng trên kênh TikTok cá nhân, sản phẩm trên kênh đã bán được hàng nghìn lượt.
Tuổi trẻ đi để thử sức, thử độ bền, đi để trải nghiệm sự vất vả của những người lính ra trận năm xưa… như lý do họ đưa ra cũng là một kiểu truyền cảm hứng. Vừa đi vừa tự kiếm tiền bằng chính sức lao động của bản thân, bằng lợi thế công nghệ cũng là điều đáng khích lệ.
Và rõ ràng, việc sở hữu một kênh mạng xã hội với nhiều lượt theo dõi và lượng tương tác cao không chỉ góp phần giúp chủ tài khoản thuận lợi trong việc kiếm được tiền mà còn có được sự ngưỡng mộ của cư dân mạng. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo trong quá trình xây kênh kiếm tiền, cái "bẫy" sẽ xuất hiện bắt đầu từ đây.
Thực tế, đã có không ít trường hợp khi đạt lượng theo dõi lớn lại mải mê chạy theo hào quang ảo để đánh bóng tên tuổi bằng những chiêu trò, những phát ngôn gây bão mạng... hoặc có những trường hợp nhận quảng cáo trá hình chỉ vì thu nhập, rất nhiều trường hợp đã phải trả một cái giá rất đắt, thậm chí còn bị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
Vì vậy, hãy coi đó là bài học!
Nếu có thể, hãy đi đến tận cuối hành trình xuyên Việt với trái tim cháy bỏng, cùng cái đầu tỉnh táo, cân bằng.
Đừng để đánh mất chính mình, đánh mất đi ý nghĩa ban đầu của hành trình...