Xử lý vi phạm giao thông lứa tuổi học sinh: Cần sự vào cuộc của cả xã hội Tháng 10, cả nước xảy ra 1.850 vụ tai nạn giao thông |
Trong tháng 10 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh THCS và THPT. Đáng chú ý, sau tháng kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện hàng loạt trường hợp trẻ em đi xe máy trên 50 phân khối. Tiêu biểu như tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Thủ Đức, lực lượng chức năng phát hiện 84 xe mô tô, xe máy điện trên 50 phân khối.
Mặc dù các biện pháp đã được triển khai quyết liệt, tình trạng học sinh cấp 3 điều khiển xe máy trên 50 phân khối vẫn phổ biến, đặc biệt tại các đô thị lớn. Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nhóm đối tượng này cũng tiếp tục xảy ra. Điển hình là vụ tai nạn gây tử vong gần đây ở Hà Nội do một nhóm "quái xế" gây ra, trong đó, có đối tượng chưa đủ tuổi vị thành niên.
Một trường hợp học sinh đi xe máy đèo 3, không đội mũ bảo hiểm, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, trong năm ngoái, có gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 490 người tử vong và 827 người bị thương, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài. Đáng chú ý, cũng theo thống kê của cơ quan này, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4-15 tại Việt Nam.
Vậy tại sao những vụ tai nạn thương tâm này vẫn xảy ra?
Đầu tiên, cần phải làm rõ rằng, việc kiểm tra và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là hoàn toàn có hiệu quả trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông cho trẻ em. Thực tế mới đây tại tỉnh Bình Thuận cho thấy, qua tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, tổng số vụ tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người tử vong và số người bị thương) so với thời gian trước cao điểm.
Ngược lại, những vụ việc thương tâm trên đã cho thấy, phụ huynh vẫn còn “lỏng lẻo” trong việc kiểm soát con cái, đặc biệt là giao cho các em xe máy trên 50 phân khối khi còn chưa đủ 18 tuổi. Hành động này không những tiềm ẩn những nguy cơ về mất an toàn giao thông, mà còn có thể khiến phụ huynh bị phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng, theo Nghị định 100/2019.
Tuy nhiên, việc kiểm soát xe gắn máy cho học sinh chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Để đảm bảo an toàn giao thông cho con em, phụ huynh cần phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, tai nạn giao thông ở thanh thiếu niên chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân. Trong đó, sự thiếu trưởng thành là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng, trong khi sự thiếu kinh nghiệm thường gây ra các vụ tai nạn nhẹ.
Về sự thiếu trưởng thành của trẻ vị thành niên, WHO thông tin rằng lái xe máy trên đường đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp như lập kế hoạch, kiểm soát tốc độ và đưa ra quyết định nhanh chóng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy vùng vỏ não trước trán, nơi chịu trách nhiệm cho các kỹ năng này, chưa phát triển hoàn thiện ở thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Ngoài ra, người trẻ cũng có xu hướng lái xe liều lĩnh, dễ chịu áp lực từ bạn bè và dễ học theo những “tấm gương” xấu trên mạng xã hội, đặc biệt là với trẻ là nam giới.
Về sự thiếu kinh nghiệm, WHO cho rằng, so với người lớn tuổi, người trẻ đặc biệt dễ mất tập trung hơn so với những kích thích ngoài đường. WHO cũng dẫn lời một nghiên cứu tại Mỹ, cho thấy rằng, chính những hạn chế về khả năng tập trung là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông cho người trẻ. Ngược lại, những người lái xe lớn tuổi có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn so với người trẻ, đặc biệt là dễ tập trung hơn.
Chính vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, WHO khuyến nghị các bậc phụ huynh nên giám sát con em trong giai đoạn đầu khi các em bắt đầu lái xe. Tổ chức này cũng dẫn một nghiên cứu tại thành phố Nova Scotia (Canada), cho thấy tỉ lệ tai nạn ở người trẻ trong tháng đầu tiên lái xe cao gấp đôi so với 10 tháng sau đó.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo hạn chế cho trẻ lái xe vào ban đêm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h đến 5h sáng, khi nguy cơ tai nạn cao gấp ba lần so với ban ngày. Lái xe đêm thường đi kèm với tình trạng mệt mỏi và nguy cơ sử dụng rượu, làm tăng khả năng xảy ra tai nạn.
Có thể dễ dàng thấy rằng, “mẫu số chung” từ các giải pháp này là sự quan tâm sát sao từ phía phụ huynh. Trong giai đoạn vị thành niên, việc đồng hành, lắng nghe và tâm sự cùng con em không chỉ giúp các em tránh xa những “người bạn xấu”, mà còn biến chính phụ huynh thành “những người bạn tốt” của các em. Qua những bài học thực tiễn, cũng những lời chia sẻ của phụ huynh, các em không chỉ “vững vàng bên tay lái”, mà sẽ còn “vững bước trên đường đời”.