Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã không giấu được niềm vui khi thông báo những con số hết sức đáng mừng của xuất khẩu gạo. Thứ trưởng Tiến thông tin, xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 4,86 tỷ USD (cả năm 2023 là 4,68 tỷ USD). Trong 10 tháng xuất khẩu 7,8 triệu tấn và hai tháng còn lại của năm 2024 có thể nâng kim ngạch lên trên 8 triệu tấn.
“Ấn Độ vừa cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng riêng các phân khúc gạo thơm, gạo cao cấp của Việt Nam vẫn đang được giá và ổn định về giá”, Thứ trưởng Tiến thông tin thêm.
Trong câu chuyện của mình, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường xuyên gọi điện cho ông để hỏi thăm tình hình và cập nhật số liệu về xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp.
Nắm chắc thông tin diễn biến thị trường luôn là nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Có thể nói xuất khẩu gạo càng về cuối năm không chỉ báo tin vui mà còn đã thắp sáng, cổ vũ mạnh mẽ hy vọng tăng trưởng cho cả nền kinh tế. Đặc biệt xuất khẩu gạo Việt Nam còn nắm giữ ổn định “ngôi vương” tại một số thị trường. “Ngôi vương” đó không chỉ đơn giản là bảo đảm ổn định nguồn cung gạo hàng hoá mà còn có tác dụng giúp các nước bạn thêm vững tâm trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu gạo rõ ràng là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước trong khi thị trường xuất khẩu gạo vẫn có thể mang lại những vận hội mới không chỉ các tháng cuối năm 2024 mà còn sang cả năm 2025.
Tuy nhiên chúng ta vẫn cần hết sức tỉnh táo để giải trọn vẹn bài toán thị trường thương mại gạo toàn cầu cho dẫu xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở một vị thế chắc hơn nhiều so với thời gian trước đây.
Về nội tại doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần đặc biệt quan tâm bảo đảm và duy trì chất lượng gạo giữa các lô hàng xuống tàu. Bởi đây có thể nói là yếu tố sống còn trong việc giữ vững lòng tin từ phía đối tác và khách hàng quốc tế, kể các đối tác khách hàng truyền thống và mới.
Đặc biệt càng những thời điểm như thế này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt càng cần duy trì phong độ cạnh tranh lành mạnh, không vì lợi ích doanh nghiệp mà để ảnh hưởng đến hình ảnh của xuất khẩu gạo về giá cả, chất lượng hàng hoá. Động thái phá giá gạo để giành thị trường nhất là trong những thời điểm như thế này không chỉ gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp mà còn đe dọa uy tín và lợi ích chung của toàn ngành.
Về các thị trường ngoài nước của gạo xuất khẩu, theo các chuyên gia, công tác thông tin thị trường càng cần được quan tâm để kịp thời nắm vững các diễn biến ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu gạo, đặc biệt là nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng và thị trường. Cũng không vì quá mải mê các thị trường truyền thống mà bỏ rơi, bỏ qua các thị trường ngách cho dẫu kim ngạch có thể còn khiêm tốn.
Bộ Công Thương trong vai trò quản lý nhà nước đã và vẫn quan tâm việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như: Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là: EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ,…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Cùng đó tăng cường hoạt động vận động ngoại giao và chỉ đạo, hỗ trợ Thương vụ Việt Nam trong việc nắm thông tin, diễn biến thị trường, vận động cơ quan có thẩm quyền của các nước dành sự quan tâm đến nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam và tăng cường quan hệ thương mại gạo với Việt Nam.