Hành khách thông cảm với sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió
Hơn 6.500 hành khách được trung chuyển
Hơn 15h ngày 14/4, tàu SE8 đưa hơn 300 hành khách từ các tỉnh phía Nam ra đến ga Giã (Khánh Hoà), nhưng do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, giờ đây hành khách phải chờ những chuyến xe trung chuyển tới ga Tuy Hoà (Phú Yên) cách đó chừng 60 km để lên tàu SE5 tiếp tục hành trình.
Ông Vũ Văn Hiển, trưởng tàu SE8 hướng dẫn hành khách xuống tàu. |
Dù mệt mỏi nhưng các hành khách đều thông cảm với sự cố ngoài mong muốn của ngành đường sắt. Ông Nguyễn Hồng Quảng, 65 tuổi, lên tàu từ ga Dĩ An đến Vinh sau thời gian vào thăm con gái, cảm thấy “không có gì to tát” khi phải chờ hơn 2 tiếng đồng hồ để được xe ô tô khách trung chuyển về ga Tuy Hoà.
“Sự cố của ngành đường sắt là điều không ai mong muốn, mình phải thông cảm. Khi ở trên tàu, nhân viên niềm nở, vui vẻ cho chúng tôi cảm giác thoải mái. Đây cũng là kỉ niệm thú vị trong hàng chục năm đi tàu của tôi”, ông Quảng chia sẻ.
Dù mệt mỏi, các hành khách đều thông cảm với sự cố ngoài mong muốn của ngành đường sắt. |
Mặc dù biết thông tin sạt lở hầm Bãi Gió khiến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, hành khách phải trung chuyển từ ga Giã đến ga Tuy Hoà, anh Đỗ Khắc Tiến, 42 tuổi, lên tàu từ ga Nha Trang đến Thanh Hoá, cho biết vẫn chấp nhận hành trình khi được nhân viên thông báo trước về sự cố khi mua vé.
“Không có gì khó khăn khi phải chờ đợi, tôi đã có sự chuẩn bị trước nên cảm thấy rất thoải mái. Tôi cũng quen đi tàu hoả vì an toàn, từ cách phục vụ đến sắp xếp của nhân viên, trưởng tàu đều chỉn chu. Nhân viên cũng hướng dẫn chi tiết về việc xuống tàu, nhận hành lý và di chuyển ra xe ô tô”, anh Tiến nói.
Ông Nguyễn Hồng Quảng (bìa phải) đứng trên tàu chờ để xuống, ra xe trung chuyển. |
Nhân viên đường sắt hỗ trợ hành khách đưa hành lý xuống để chuyển tải. |
Ông Vũ Văn Hiển, trưởng tàu SE8 cho biết đã chuẩn bị các suất ăn, nước uống để kịp thời phục vụ cho hành khách có nhu cầu. Đồng thời, thường xuyên thông tin về tiến độ khắc phục sự cố để động viên hành khách trên tàu, có phương án hỗ trợ sắp xếp, vận chuyển hành lý khi lên xe ô tô trung chuyển.
“Do thời gian trung chuyển vào buổi chiều nắng, nhiệt độ ngoài trời khá cao, nóng bức, chúng tôi cũng thông báo cho hành khách không vội xuống tàu để được thoải mái, tránh tình trạng chen chúc”, ông Hiển cho hay.
Công tác vận chuyển hành lý lên xe ô tô trung chuyển được thực hiện khẩn trương. |
Theo thống kê của chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, từ khi xảy ra sự cố đến tối 14/4, đã có 158 lượt xe ô tô với hơn 6.500 hành khách được trung chuyển qua lại giữa 2 ga Giã và Tuy Hoà để tiếp tục hành trình.
Đảm bảo hành trình khách hàng không bị gián đoạn quá lâu
Để hỗ trợ khách hàng trung chuyển an toàn và thuận lợi, ngành đường sắt đã bố trí sẵn hàng chục xe ô tô khách ở 2 ga, từ các loại xe 16 chỗ đến 45 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, hàng chục nhân viên được huy động để hỗ trợ hành khách trong việc di chuyển hành lý lên, xuống xe và tàu.
Hàng chục xe chuyển tải chờ sẵn ở ga Giã để trung chuyển khách ra ga Tuy Hoà. |
Nhân viên đường sắt hỗ trợ hành khách xếp hành lý khi lên xe trung chuyển. |
Chiều 14/4, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến kiểm tra việc chuyển tải ở ga Giã, đề nghị các đơn vị có những phương án hỗ trợ hành khách khi trung chuyển được thoải mái nhất, trong đó chú ý về chất lượng của xe, nhằm đảm bảo an toàn của hành khách khi di chuyển bằng xe ô tô.
“Cần có phương án chuyển tải ổn định hơn, phòng trường hợp việc này kéo dài từ 4 - 5 ngày nữa. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tôi đề nghị các đơn vị tập trung, nỗ lực vượt qua khó khăn, phục vụ hành khách tốt nhất, tạo tâm lý thoải mái cho hành khách, nâng cao uy tín của ngành đường sắt”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (bên phải) trò chuyện với cán bộ, nhân viên ngành đường sắt. |
Theo ông Trần Minh Duy, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng - Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, ga Giã và ga Tuy Hòa được tăng cường thêm hệ thống chiếu sáng, quạt ở phòng chờ tàu, nhân viên cũng được tăng cường nhằm hỗ trợ hành khách, đảm bảo an ninh trật tự tại các ga.
“Sự cố sạt lở hầm Bãi Gió gây ra bất tiện cho hành khách đi tàu là điều không mong muốn. Ngành đường sắt rất mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của khách hàng”, ông Duy bày tỏ.
Nhiều hành khách nước ngoài tỏ ra hào hứng với kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch tại Việt Nam. |
Liên quan đến sự cố này, ngành chức năng cũng tổ chức phân luồng giao thông đoạn quốc lộ 1 qua khu vực đèo Cả (Khánh Hoà) để đảm bảo an toàn công trình đường sắt, đường bộ và an toàn giao thông tại khu vực, do tuyến hầm đường sắt giao chéo bên dưới đoạn đường này.
Theo Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam), hầm Bãi Gió đường sắt Bắc – Nam (Km1231+100, đoạn qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm và đang tiếp tục sụt lún, diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng ghi nhận đợt sạt lở đầu tiên vào trưa 12/4, khoảng 180 m3 đất đá đổ xuống đường ray, kéo dài khoảng 20 m, cách cửa phía bắc hầm chừng 85 m. Thời điểm này không có tàu nào đi qua. Ngành chức năng nhanh chóng triển khai lực lượng khắc phục sự cố, đến 4h sáng 13/4, khi công việc gần hoàn thành thì bất ngờ xuất hiện đợt sạt lở thứ 2 với khối lượng ước tính khoảng 50 m3. Từ đêm 13/4 đến nay, lượng lớn đất đá từ trên trần hầm tiếp tục rơi xuống khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Ngành đường sắt dự kiến trong 72 giờ tới sẽ thông hầm, hiện các đơn vị đang căng mình để khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Hầm Bãi Gió dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, vỏ hầm làm bằng bê-tông, được xây dựng cách đây hơn 100 năm và đưa vào sử dụng năm 1936. Hầm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. |