Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng |
Không hoàn toàn có cơ sở trước những lo ngại
Trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tối 1/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam đã tiến hành ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tham gia đàm phán 7 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu, Liên minh Hải quan (Nga - Kazakhstan – Belarus), Khối Thương mại tự do châu Âu– EFTA, các nước đối tác của ASEAN (ASEAN+6), và FTA ASEAN-HongKong... Điều này đặt ra những lo ngại cho người dân và DN về việc hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm.
Dù rằng Việt Nam có hay không thực hiện những cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp tới, thì cho đến nay Việt Nam cũng đã mở cửa thị trường hàng hóa cho các nước ASEAN từ những năm 90 của thế kỷ trước, và trong hơn 20 năm qua DN Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường. “Điều đó khẳng định rằng, nếu chúng ta có bản lĩnh, có những bước đi thận trọng, có chủ trương chính sách phù hợp, đặc biệt là chúng ta quan tâm đến bảo hộ sản xuất trong nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người sản xuất thì chúng ta không e ngại việc mở cửa thị trường với Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào 31/12 tới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức đi vào hoạt động vào 31/12/2015, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong 3 trụ cột chính của cộng đồng, bên cạnh trụ cột chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội, trong đó Bộ Công Thương được giao đầu mối phối hợp với các bộ ngành trong xây dựng và hình thành trụ cột kinh tế. Về cơ bản, đến thời hạn nói trên các thành viên sẽ phải hoàn tất các cam kết trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đưa 10 nước thành viên trở thành thị trường thống nhất về hàng hóa, đầu tư, có tính đến lao động của nước này có cơ hội làm việc ở nước khác. Việt Nam được các bạn ASEAN đánh giá cao trong quá trình chuẩn bị, riêng biểu thực hiện các nghĩa vụ cam kết, Việt Nam đã hoàn thành trên 90%, và là một trong 3 nước cao nhất hoàn thành, cùng với Singapore và Malaysia.
Tại Việt Nam, các công việc hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN, do chính Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và một số Phó Thủ tướng làm Phó trưởng ban chỉ đạo đối với các lĩnh vực liên quan. Sự phối hợp này đảm bảo tính đồng bộ trong 3 trụ cột của Cộng đồng, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt từ Chính phủ đến các bộ ngành địa phương, đảm bảo rằng một khi chúng ta đã đưa ra cam kết thì chúng ta sẽ tổ chức các biện pháp thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số vấn đề, không chỉ của riêng Việt Nam mà cũng là vấn đề chung của các nước thành viên ASEAN, đó là chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể thực thi được cam kết, và tôi nghĩ rằng các nước ASEAN cũng nhận thức rõ thực trạng này.
Những nguyên tắc cơ bản trong đàm phán
Một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như nói ở trên, bao gồm, ngoài những khía cạnh truyền thống liên quan đến thương mại, dịch vụ và đầu tư, còn bao hàm các lĩnh vực khác như DNNN, sở hữu trí tuệ hay môi trường… vì thế mà nó được gọi là “thế hệ mới”. Mở cửa thị trường hàng hóa ở đây là dựa trên nguyên tắc “có đi, có lại”, nếu Việt Nam muốn XK, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam vào 1 thị trường nhất định, thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa mà đối tác đó có nhu cầu XK sang ta. Nguyên tắc này được thực hiện trên cơ sở các nhà đàm phán của Việt Nam phải cố gắng thực hiện, thu về những lợi ích cốt lõi cho hàng hóa XK của Việt Nam, đó là các mặt hàng XK chủ lực như: dệt may, da giày, nông sản, thủy hải sản và một số sản phẩm công nghiệp chế biến.
Ngược lại, về phía các mặt hàng các nước muốn XK vào Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ phải xem xét một cách cẩn trọng, chấp nhận mở cửa cho những hàng hóa mà năng lực sản xuất của Việt Nam còn yếu, đồng thời đưa ra lộ trình mở cửa cho những hàng hóa nhạy cảm đối với thị trường trong nước, để cho hàng hóa trong nước có một khoảng thời gian nhất định đủ cho DN hay nhà sản xuất trong nước vươn lên, nâng cao chất lượng, năng suất. Đến thời điểm mở cửa hoàn toàn thì những sản phẩm đó đã có thể đứng vững và cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại khác của nước ngoài.
Đối với đàm phán của Việt Nam, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, luôn được tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ, những mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đều được bảo hộ một cách hợp lý. Ví dụ như khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đấu tranh và giữ vững bảo hộ đối với các mặt hàng nhạy cảm trong nông nghiệp như: muối, đường, trứng gia cầm và nguyên liệu thuốc lá. Những mặt hàng này cũng tiếp tục được bảo hộ trong các Hiệp định thương mại về sau. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan trong xem xét nhập khẩu, cho phép một năm chỉ có một lượng nhất định các loại hàng hóa này được NK vào Việtj Nam và được hưởng thuế suất ưu đãi, còn nếu các nước XK vào Việt Nam mà ngoài hạn ngạch thì phải chịu thuế rất cao.
“Đó là những vấn đề tôi muốn nói rõ hơn để người dân hiểu rằng, khi Chính phủ quyết định đàm phán một Hiệp định Thương mại tự do là đã tính đến những lợi thế mà chúng ta được hưởng từ Hiệp định này và cũng tính đến kế hoạch hay lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp. Vừa là hội nhập sâu nhưng đồng thời cũng bảo vệ được thị trường trong nước và sản xuất trong nước. Đó là nguyên tắc cơ bản trong đàm phán, và nếu thực hiện được như vậy thì tôi nghĩ những băn khoăn, lo lắng về cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa lớn đến sản xuất trong nước là không hoàn toàn có cơ sở” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Lo ngại về hạn ngạch và bán lẻ của nước ngoài
Hàng hóa Việt Nam vẫn chiếm tới 97% thị trường nội địa |
Trước băn khoăn của người dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản về tiêu chí và thời điểm để cấp hạn ngạch cho những mặt hàng nông sản thiết yếu như trứng, thịt, muối, đường, Bộ trưởng cho biết: “Tôi cũng xin nói rất rõ với người dân rằng, chúng ta thực hiện việc phân bổ hạn ngạch cho một số ít các mặt hàng nhạy cảm này, thứ nhất là với số lượng rất nhỏ, thứ hai là vào thời điểm thích hợp, tránh thời gian mà trong nước đang thu hoạch rộ như muối, mía đường, và thứ ba là có sự đồng thuận giữa các bộ, ngành, nhất là những bộ phụ trách sản xuất, trong đó có cả tham vấn với Hiệp hội ngành hàng.
Với tinh thần như vậy, có thể nói rằng, trong những năm qua, 4 mặt hàng nhập khẩu nhạy cảm này, về cơ bản chúng ta không làm ảnh hưởng gì đến sản xuất trong nước, đồng thời giữ được cam kết đã ký với các đối tác, làm cho Việt Nam ngày càng trở thành quốc gia có uy tín trong thực thi cam kết, đồng thời tạo điều kiện cho sản phẩm của chúng ta nâng cao chất lượng, năng suất, đủ sức cạnh tranh nếu mở cửa hoàn toàn.
Về lo ngại của người dân trước sự đổ bộ của các nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam, kiểu “siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”, sẽ có nguy cơ đối với thị trường hàng Việt, Bộ trưởng cho biết, đây cũng là băn khoăn có cơ sở của người dân và DN hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, như tôi đã nói, về nguyên tắc trong đàm phán, chúng ta sẽ mở cửa có lộ trình, thận trọng và từng bước chứ không phải ngay lập tức cùng lúc mở cửa hết, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm.
Những năm qua, nhìn vào các DN bán buôn bán lẻ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, thì với mức độ có hạn, đồng thời số lượng và chủng loại hàng hóa chịu sự kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ của Việt Nam, nhìn chung thị trường vẫn được kiểm soát tốt. Các DN bán buôn lẻ nước ngoài đã được trao đổi, nhắc nhở, tuân thủ theo lộ trình, thực hiện nghiêm túc các cam kết, và nếu có nhu cầu nhượng bán lại 1 phần hay toàn bộ đầu tư của họ tại Việt Nam thì nên ưu tiên cho các DN Việt Nam, chỉ khi nào các DN Việt Nam không có điều kiện mua lại cổ phần đó thì mới mời các DN nước ngoài vào.
“Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thì cho đến nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam, hàng hóa của các DN Việt Nam vẫn chiếm 97% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường, còn DN nước ngoài cũng chỉ chiếm 3%. Sự xuất hiện của các DN bán buôn bán lẻ nước ngoài tại VViệt Nam cũng chưa phải nhiều và cũng chỉ có một số thương hiệu như Metro, BigC, Lotte. Đến thời điểm 31/12/2015 khi AEC đi vào hoạt động, thuế suất sẽ dần dần bằng 0, rồi một số biện pháp hạn chế hàng hóa trước đây cũng có thể được nới rộng hơn, thì tôi nghĩ rằng lúc đó, nhiều DN Việt Nam cũng đã khẳng định được vị thế của mình, bằng sức mạnh của mình, đứng vững được tại thị trường trong nước, đồng thời đón lấy cơ hội để đưa hàng Việt ra nước ngoài, chứ không chỉ có hàng ASEAN vào Việt Nam ” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Rất nhiều DN chúng tôi tiếp xúc cũng cho rằng, khi AEC đi vào hoạt động sẽ là cơ hội để đưa các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản của Việt Nam vào hệ thống bán buôn lẻ của các nước ASEAN, bởi vì cơ hội là như nhau, thuế quan là như nhau. Cho nên nếu từng DN có kế hoạch, chiến lược phù hợp thì cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức. |