Sáng 4/11 tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Rơ Châm H′Phik - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã đồng ý với Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ.
Từ thực tiễn công tác, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, đại biểu Rơ Châm H′Phik cho biết, cử tri tỉnh Gia Lai rất phấn khởi, kỳ vọng trong việc sửa đổi Luật Điện lực lần này.
Đại biểu Rơ Châm H′Phik cho biết, cử tri Gia Lai kỳ vọng vào Luật Điện lực sửa đổi (Ảnh:QH) |
“Kiến nghị của cử tri sẽ được giải quyết liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió. Đồng thời, có quy định về hành lang an toàn công trình điện, như hành lang an toàn cột tháp gió, đường dây cao áp, trạm biến áp để phân biệt với quy định về hành lang bảo vệ an toàn”- đại biểu cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như quy định về công tác vận hành và bảo trì, quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các dự án điện gió, điện mặt trời, quy định về kiểm soát chất lượng và bảo đảm xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời.
“Kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và ban hành khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư đối với công trình điện gió theo quyết định của Luật Bảo vệ môi trường, vì hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung này để địa phương dễ triển khai thực hiện và giải quyết được các kiến nghị của cử tri, chống lãng phí về điện gió, tỉnh Gia Lai đang vướng mắc như hiện nay.”- đại biểu Rơ Châm H′Phik nhấn mạnh.
Liên quan đến chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đại biểu Rơ Châm H′Phik cho biết, hiện nay, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải thường xuyên làm việc 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, công việc luôn phải đối mặt với nguy hiểm, bệnh nghề nghiệp, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, thu nhập còn thấp, áp lực và trách nhiệm lớn, trong khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đặc thù công việc.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung các khoản phụ cấp ưu đãi, chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tương tự như lực lượng kiểm lâm, bổ sung nghề bảo vệ rừng vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Đồng thời từ thực tế tại địa phương, đại biểu cũng kiến nghị với Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, bổ sung chức danh văn phòng cấp ủy là công chức cấp xã để đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.