Hải Dương: Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Thanh Hà
Sản lượng năm nay dự kiến đạt khoảng 40 nghìn tấn
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương, lãnh đạo huyện Thanh Hà, các hộ sản xuất - kinh doanh vải và các doanh nghiệp.
Ông Vũ Việt Anh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà phát biểu tại hội nghị |
Ông Vũ Việt Anh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, đến nay, huyện Thanh Hà có 3.265 ha vải, 100% diện tích vải sản xuất theo hướng an toàn. Cụ thể, đã thực hiện 39 vùng, diện tích 450 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xuất khẩu. Đã được cấp 191 mã số vùng trồng xuất khẩu.
Trong đó: 53 mã số vùng trồng xuất khẩu Úc; 51 mã số vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc; 38 mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản; 40 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ; 09 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan.
Vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh 2 hiệu uy tín khác như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”; giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”, top 10 Thương hiệu Nhãn hiệu nổi tiếng do Liên Hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.
Hiện nay vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm Bên cạnh đó, đó, trong những năm qua vẻ đẹp của vườn vải trĩu quả đã thu hút hàng chục nghìn du khách thăm quan, trải nghiệm, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.
Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà |
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Hà, hiện vải U trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi; vải U hồng, U thâm, tàu lai, thiều chính vụ đang giai đoạn quả non. Dự tính, năm nay, sản lượng đạt khoảng 40 nghìn tấn (vải sớm 25 nghìn tấn, vải chính vụ 15 nghìn tấn), tương đương với sản lượng vải niên vụ 2021-2022.
Toàn bộ diện tích vải được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xuất khẩu trong đó có khoảng 4.000 - 5.000 tấn đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Dự kiến thời gian thu hoạch các trà vải năm 2023: Vải U trứng trắng bắt đầu thu từ nửa cuối tháng 5/2023; vải U trứng gai bắt đầu thu từ cuối tháng 5/2023; vải nhỡ (vải U hồng, U thâm) bắt đầu thu từ đầu tháng 6/2023; vải Tàu lai bắt đầu thu từ giữa tháng 6/2023.
Trà vải thiều chính vụ bắt đầu thu từ giữa tháng 6/2023. Như vậy, vào khoảng giữa tháng 6/2023 khả năng sẽ có cả 3 giống vải cùng cho thu hoạch: U hồng, Tàu lai, vải thiều chính vụ; do đó sản lượng thu hoạch lớn, dồn dập có khả năng sẽ tạo áp lực lớn trong việc tiêu thụ vải.
Quan tâm công tác tìm đầu ra và tiêu thụ vải
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, do thời gian thu hoạch vải ngắn, dồn dập trong khoảng 1 tháng, UBND huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm đến công tác tìm đầu ra và tiêu thụ vải cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đặc tính, ưu điểm nổi trội của quả vải thiều Thanh Hà, diện tích cây trồng, năng suất, sản lượng, quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải thiều, các quy định trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đối với sản phẩm vải thiều, các quy định sản xuất vải thiều đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; sản xuất, chăm sóc, phòng trừ theo quy định đảm bảo xuất khẩu ra thị trường quốc tế qua Báo, Đài từ Trung ương đến địa phương.
Ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương phát biểu tại hội nghị |
Theo ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, để xúc tiến vải thiều Thanh Hà, cần chú trọng cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Xác định thị trường nội địa vẫn là thị trường chủ đạo, tạo nền cho xuất khẩu, Sở Công Thương Hải Dương đã sớm có sự trao đổi, kết nối với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp xuất khẩu, thương nhân tiêu thụ nông sản trong nước; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Lazada, Sendo, Viettel Post, VNPT... để tăng cường hoạt động giao dịch mua bán vải thiều trên các nền tảng công nghệ số.
Đồng thời, tổ chức các cuộc họp, các buổi làm việc với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn trong nước (Siêu thị Go (BigC cũ), Fivimart, Intimex, Winmart, Mega Market, SatraMart, HaproMart và các siêu thị bán hàng tiêu dùng trong nước…); các Sàn Thương mại điện tử lớn, uy tín của Việt Nam (Sendo, Tiki, Lazada, Shope…); các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua, xuất khẩu vải thiều trong và ngoài nước; các doanh nghiệp đầu mối, thu mua vải thiều của Trung Quốc… kết nối với người trồng vải để ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều của Hải Dương.
Lễ ký hợp đồng nguyên tắc giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ sản xuất nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà năm 2023 |
Bên cạnh đó, chủ động liên hệ, mời các Tập đoàn, Siêu thị lớn trong nước (Siêu thị Go (BigC cũ), Fivimart, Intimex, Vinmart, Mega Market, SatraMart, HaproMart và các siêu thị bán hàng tiêu dùng trong nước…) đến Hải Dương để ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều của Hải Dương niên vụ 2023
Đối với thị trường xuất khẩu, ông Trần Văn Hảo thông tin, cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…, Sở Công Thương Hải Dương cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị chức năng của Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ… tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường mới, tiềm năng như các nước khu vực Nam Mỹ; các nước thuộc châu Phi… và ngay tại chính Trung Quốc, một thị trường rộng lớn, giáp với Việt Nam.