Giảm sức cạnh tranh
Nửa cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, nhiều DN XK chia sẻ, họ đã để vuột không ít đơn hàng bởi giá thành khó cạnh tranh. Điển hình như ngành hàng lúa gạo, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - cho hay, từ cuối năm ngoái, không ít nhà nhập khẩu đã chọn mua gạo Ấn Độ do giá gạo nước này thấp hơn gần 100 USD/tấn (loại gạo 5% tấm) so với gạo Việt. Giá gạo Việt hiện khá cao bởi phải “cõng” các chi phí như giá nguyên liệu tăng, cước vận chuyển cùng các phí cầu cảng ở mức cao. “Để khắc phục tình trạng này, gần đây, các nhà XK gạo Việt đã giảm giá chào bán đến 25 USD/tấn so với thời điểm giữa tháng 3/2021. Tuy nhiên, khi ta giảm giá, các nước đối thủ khác cũng giảm đồng loạt để cạnh tranh. Điều này cho thấy, giảm giá không phải là giải pháp tốt. Về lâu dài, chúng ta phải khắc phục những điểm yếu nội tại” - một thương nhân XK gạo có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Khảo sát thực tế tại Tập đoàn Minh Phú cho thấy, chi phí logistics để vận chuyển 6.700 - 7.000 container/năm từ hai nhà máy ở Hậu Giang và Cà Mau lên TP. Hồ Chí Minh xuất đi các nước tốn khoảng 60 tỷ đồng. Chi phí logistics cao khiến giá tôm của Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Indonesia từ 1 - 2 USD/kg.
Tương tự, một DN XK trái cây có trụ sở tại Bến Tre phải chi trả phí vận chuyển các mặt hàng tươi cao cấp đạt chuẩn GAP đi Hà Nội với cước phí 20.000 đồng/kg trái cây. Trong khi đó, DN XK hàu sống bằng đường hàng không sang Thái Lan chia sẻ, chi phí mua hàu tại Việt Nam chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng phí vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến Thái Lan khoảng 40.000 đồng/kg. Như vậy, tổng chi phí cho hoạt động logistics cao hơn 133% so với chi phí mua hàu nguyên liệu.
Chi phí logistics cao khiến hàng Việt giảm sức cạnh tranh |
Chưa được đầu tư đúng mức?
Có thể thấy, chi phí logistics cao đang là “bài toán” khó giải, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN XK. Nguyên nhân chính đẩy chi phí vận tải trong hoạt động logistics ở Việt Nam cao do chất lượng hạ tầng dù đã được đầu tư chưa đáp ứng được thực tế phát triển. Ngoài ra, hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực phía Nam nói chung chưa đưa ra được những chính sách kêu gọi đầu tư, sử dụng dịch vụ hấp dẫn và mang tính đột phá, dẫn đến tình trạng đầu tư phát triển hệ thống logistics manh mún, kém hiệu quả, chậm trễ.
Thừa nhận thực tế này, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - đánh giá, kết cấu hạ tầng giao thông lạc hậu hiện nay chính là điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Cùng với đó, hạ tầng dịch vụ, hệ thống kho, bãi, trung tâm phân phối còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư đúng mức đã làm tăng thời gian vận chuyển và chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh so với các địa phương trên cả nước lẫn trong khu vực.
Cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại dịch vụ logistics, trong đó, 70% số đơn vị đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, đóng góp 35% doanh thu vận tải, kho bãi của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, thành phố chưa có trung tâm logistics đáp ứng cho yêu cầu vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đây chính là lý do chi phí logistics ở Việt Nam lên đến 20%, trong khi các nước trong khu vực chỉ khoảng 14 - 16%. Lợi nhuận thấp, chi phí vốn tăng, dẫn đến sự cạnh tranh giữa DN nội - ngoại không cân sức. Bên cạnh đó, “các DN dịch vụ trong nước cạnh tranh, cố gắng hạ giá, dẫn đến chi phí lợi nhuận không cao, đây là bất cập của DN logistics hiện nay” - bà Ðặng Thị Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Công ty Cổ phần Minh Phương logistics - nêu quan điểm.
Theo đánh giá của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, có tới 82% lượng hàng hóa cập các cảng của tổng công ty tại Cái Mép - Thị Vải được chuyển về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam bộ. Do đó, nếu chính quyền địa phương không có các giải pháp phát triển hệ thống vận tải, chi phí cho logistics sẽ tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa. |
Kỳ II: Khắc phục điểm yếu