Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, biến tiềm năng vốn có thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Với lợi thế địa lý và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Quảng Ninh đang dần khẳng định mình là một trong những trung tâm logistics hàng đầu phía Bắc Việt Nam, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư cho địa phương.
Quảng Ninh sở hữu vị trí chiến lược với nhiều cửa khẩu quốc tế như Móng Cái và hệ thống cảng biển phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế. Theo quy hoạch, Quảng Ninh dự kiến sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa hướng biển của khu vực Đông Bắc Á và ASEAN vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng hàng hóa qua cảng trên 122 triệu tấn, nâng cao tỷ trọng dịch vụ cảng biển trong cơ cấu GRDP của tỉnh lên từ 1,2-1,5%.
Hoạt động chuyển tải tại khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét (TP. Cẩm Phả). Ảnh: Hoài Anh |
Việc định hướng Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics cũng đi đôi với phát triển các khu vực công nghiệp và cảng biển quan trọng. Cụ thể, dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP. Móng Cái với mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 2.248 tỷ đồng là một trong những dự án trọng điểm. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, cảng Vạn Ninh sẽ phục vụ các tàu trọng tải lớn, góp phần tăng cường khả năng kết nối quốc tế và tạo nền tảng hạ tầng logistics hiện đại cho khu vực.
Bên cạnh phát triển các cảng biển, Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng logistics. Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh, với tổng chiều dài 9,5 km và tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng, là một trong những dự án tiêu biểu. Đặc biệt, tuyến đường ven biển kết nối KKT Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái giúp mở rộng khả năng lưu thông hàng hóa từ các khu kinh tế trọng điểm đến các khu vực cửa khẩu và cảng biển.
Thành phố Móng Cái cũng đang tích cực hoàn thiện các tuyến giao thông trong khu vực Tổ hợp công nghiệp và dịch vụ logistics phía Nam sông Lục Lầm, đồng thời lên kế hoạch xây dựng cầu Bắc Luân III nhằm tăng cường kết nối với khu vực Đông Hưng, Trung Quốc. Những nỗ lực này góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy giao thương quốc tế, đặc biệt là giữa ASEAN và Đông Bắc Á.
Lãnh đạo TP. Móng Cái giới thiệu với các nhà đầu tư về quy hoạch cảng biển, logistics trên địa bàn. |
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng logistics, Quảng Ninh không chỉ tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng mà còn đẩy mạnh hợp tác với các địa phương có thế mạnh về logistics trong và ngoài nước. Tỉnh đã phối hợp với Cục Ngoại vụ và các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài để giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Quảng Ninh. Các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia như Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc đã bước đầu tìm hiểu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp logistics của tỉnh, giúp tỉnh có thể tiếp cận các công nghệ và mô hình quản lý hiện đại.
Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững ngành logistics là nguồn nhân lực. Hiện tại, Quảng Ninh đang tích cực đầu tư vào việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động logistics. Tỉnh đã liên kết với các viện, trường đại học và cao đẳng để đào tạo nhân lực chuyên ngành logistics, cũng như tổ chức các khóa bồi dưỡng cho cán bộ hành chính nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.
Một trong những lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh là khả năng phát triển logistics đa phương thức, đặc biệt là kết hợp đường bộ, đường biển, và đường hàng không. Tỉnh đã có những bước tiến quan trọng trong việc hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, từ đó tăng cường hiệu quả vận chuyển và giảm chi phí logistics. Việc phát triển cảng Con Ong - Hòn Nét tại TP Cẩm Phả và các khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc tại TX Quảng Yên là minh chứng cho sự quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics toàn diện.
Phát triển logistics đang là một trong những chiến lược quan trọng để Quảng Ninh tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Các dự án hạ tầng cảng biển và hệ thống giao thông đồng bộ không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, đưa Quảng Ninh trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và thế giới. Với những bước đi chiến lược và quyết tâm phát triển dịch vụ logistics, Quảng Ninh hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm logistics lớn của khu vực trong tương lai, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội địa phương.