Hà Nội: Sản xuất công nghiệp tăng tốc, phục hồi về đích
Sản xuất công nghiệp phục hồi
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong tháng Mười Một, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi, các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân những tháng cuối năm, dịp Tết Dương lịch năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố Hà Nội tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,6%; khai khoáng tăng 3,5%.
Một số ngành sản xuất chế biến, chế tạo có chỉ số IIP 11 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17,4%; trang phục tăng 16,3%; xe có động cơ tăng 14,1%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,1%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Mười Một ước tính tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm nay, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười Một ước tính đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, vốn thực hiện đạt 36,9 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 72,8% kế hoạch năm.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có chiều dài trên cao hơn 13 km, tổng mức đầu tư 18 nghìn tỷ đồng đã chính thức đưa vào khai thác sử dụng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân Thủ đô khi đi vào hoạt động. Dự án không chỉ giúp cho môi trường trở nên trong sạch hơn, hạn chế khói bụi và giảm thiểu ô nhiễm do xe cộ gây ra mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đặc biệt là rút ngắn thời gian và tiết kiệm được chi phí đi lại.
Tháng Mười Một, thành phố Hà Nội có 27 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 14 triệu USD. Bên cạnh đó, có 11 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 29 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 35 lượt, đạt 15 triệu USD. Lũy kế 11 tháng năm 2021, toàn Thành phố thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 330 dự án với số vốn đạt 210,6 triệu USD; 110 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 634 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 436 lượt, đạt 426 triệu USD.
Trong tháng Mười Một, thành phố có 2.513 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 40,4 nghìn tỷ đồng, tăng 96%. Cộng dồn 11 tháng năm 2021, Hà Nội có 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 307,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2%; 9,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 64%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Doanh nghiệp tăng tốc về đích
Từng gián đoạn sản xuất vì làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, nay làng nghề gỗ Vạn Điểm đang nỗ lực để khôi phục sản xuất để cung ứng hàng hoá cho những tháng cuối năm. Ông Hoàng Kỳ Tài- chủ tịch Hội làng nghề gỗ Vạn Điểm- cho biết, việc mở cửa trở lại giúp nguồn nguyên liệu và sản phẩm được lưu thông, đã giúp các cơ sở sản xuất trong làng nghề có cơ hội hoàn thành đơn hàng, tránh tình trạng đọng vốn, đồng thời, các cơ sở chế biến ở Vạn Điểm cũng triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh các kênh bán hàng cả trực tiếp và trực tuyến, nhằm khuyến khích các cơ sở duy trì sản xuất tại làng nghề. Việc mở cửa trở lại đã mở rộng nhu cầu cung ứng sản phẩm cho cả nước, giúp làng nghề Vạn Điểm bắt đầu duy trì lại được sản xuất, cũng như tạo ra nền tảng cho các đơn hàng tiếp theo.
Còn tại làng nghề gỗ Hữu Bằng, quyết định sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh đã giúp làng nghề phục hồi sản xuất bình thường. Một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất cũng bắt đầu chuyển hướng sang làm sản phẩm gỗ công nghiệp, khai thác tiềm năng ở các công trình kiến trúc, nhà ở, chung cư,... Đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất của các đơn vị sản xuất phụ liệu ngành gỗ như mút, xốp, máy chế biến, phụ kiện, ốc vít, keo... hoặc gia công các sản phẩm vệ tinh cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Một số doanh nghiệp gỗ và các cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng đã tìm cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tránh việc phụ thuộc vào thị trường miền Nam. Đồng thời, tung ra các mẫu mã mới, cũng như chủ động giảm giá sản phẩm để kích cầu và đảm bảo công suất sản xuất đều đặn trong các tháng cuối năm.
Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang khẩn trương tập trung nhân công, đề ra nhiều giải pháp thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra của năm 2021 và những năm tiếp theo. Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đạt công suất 80-90%. Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, tạo việc làm cho công nhân và đặc biệt là giữ khách hàng.
Hiện dịch bệnh đang có diễn biến mới khi xuất hiện biến thể mới. Trong khi đó, áp dụng biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội để bình thường hoá với các hoạt động kinh tế - xã hội thì số ca nhiễm và tử vong lại tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy quá trình kiểm soát dịch bệnh, tái cơ cấu và phục hồi nền kinh tế đang trở nên khó khăn hơn. Song xác định sống chung với dịch, mở cửa tái khởi động và phục hồi nền kinh tế vẫn là một sự lựa chọn không thể nào khác và hiện Chính phủ kiên định chủ trương này.
Để phục hồi sản xuất, nhiều nhóm vấn đề được các doanh nghiệp nêu với chính quyền thành phố Hà Nội như: Giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước… nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (huyện Hoài Đức)- cho rằng, doanh nghiệp đang mong chờ những mức độ hỗ trợ “đủ liều”, như cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, giảm 50% mức nộp các loại bảo hiểm trong các năm 2021, 2022…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam- cho rằng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, cần có một số giải pháp mang tính cấp bách, đột phá. Đó là, chủ động rà soát, sửa đổi ngay những quy định, chính sách đang là rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn… Các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh, giúp doanh nghiệp ngăn chặn tình trạng mất thanh khoản, giải thể...
Về các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội- cho biết, thành phố giao các Sở liên quan, Trung tâm xúc tiến đầu tư… để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đôn đốc các dự án đầu tư trên địa bàn; đồng thời Hà Nội đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Về chính sách hỗ trợ lĩnh vực du lịch, thành phố đã giao ngành du lịch có chính sách riêng, phù hợp theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.