Chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (TP) Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 TP đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 26 với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Tại phiên họp các quận huyện cũng báo cáo về việc đã nghiêm túc tuyên truyền, đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết. “Đề nghị Sở Công Thương có văn bản, hoặc tập huấn rõ để cơ sở xác định rõ các mặt hàng thiết yếu; các cửa hàng được mở cửa, tránh tình trạng lung túng”, ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nói.
Chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa bình thường phục vụ nhân dân |
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo hôm 25/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có nhấn mạnh hạn chế đối với dịch vụ kinh doanh không cần thiết để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời UBND TP cũng có công văn số 1001 ngày 24/3/2020 chỉ đạo nhiều nội dung, trong đó cũng có nội dung này. Đến ngày 26/3/2020 thì đồng loạt UBND các quận, huyện thị xã đã tổ chức triển khai công văn số 1001 của UBND TP và ý kiến kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND TP tại phiên họp 25/3.
Do cách hiểu và cách làm của các quận, huyện chưa có sự thống nhất với nhau dẫn đến tình trạng UBND một số phường có phường đã chỉ đạo đóng cửa các đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa. Nhiều người dân hoang mang lo sợ hệ thống phân phối bị đóng cửa nên trong sáng 27/3, lượng người dân đi mua sắm đã tăng gấp đôi tại hệ thống siêu thị và ở chợ lượng mua hàng tăng từ 20 – 30%. Nhiều doanh nghiệp thắc mắc gửi lên Sở Công Thương. Sở đã phải liên hệ với các quận huyện tuyên truyền ngay để người dân không hoang mang, các hệ thống phân phối hàng hóa đều hoạt động bình thường, luôn đảm bảo đủ hàng hóa cho người dân… người dân không nên tích trữ mua hàng, bởi các hệ thống phân phối vẫn được mở cửa.
Cũng lo lắng bị đóng cửa, một số siêu thị điện máy đã đối phó bằng cách đưa thêm cả hàng hóa thiết yếu vào để bán, tạo ra môi trường phức tạp cho công tác phòng dịch. Sở Công Thương đã phải tiến hành kiểm tra, xử lý.
Tại các chợ, đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm như rau, hoa, củ quả, đồ khô sẽ mở cửa cho người dân bình thường còn các ngành hàng khác sẽ xem xét để ngừng kinh doanh. Trên các tuyến phố, đề xuất cả các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, các siêu thị mini, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, cửa hàng trái cây, hoa quả mở cửa để phục vụ nhu cầu người dân, ngoài ra còn các dịch vụ khác như thuốc chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng và các cơ quan đoàn thể.
Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, hiện nay ở trên địa bàn thành phố có 26 trung tâm thương mại, chỉ có 1 trung tâm thương mại Tràng Tiền là kinh doanh hàng hóa quần áo và các sản phẩm cao cấp, còn lại 25 trung tâm đều có loại hình kinh doanh thương mại, trong đó có siêu thị, các cửa hàng thời trang như quần áo, giày dép, các đồ mỹ phẩm, vui chơi giải trí, dịch vụ làm đẹp, thể dục thể thao và các loại hình khác. Hà Nội hiện có 141 siêu thị trên địa bàn Thành phố, trong đó có 103 siêu thị tổng hợp, chỉ có 38 siêu thị chuyên doanh; có 455 chợ và 495 cửa hàng xăng dầu, 674 cửa hàng gas.
Do đó, ngoài các siêu thị chuyên biệt về hàng hóa thiết yếu, cửa hàng xăng dầu, hiệu thuốc, Sở kiến nghị TP có văn bản chỉ đạo quyết định việc các trung tâm thương mại chỉ được mở cửa siêu thị ở trong; siêu thị được mở cửa bán hàng nhưng không được tổ chức kinh doanh vui chơi giải trí; các hàng chợ bán rau củ quả, thực phẩm, tiện lợi, tạp hóa, trái cây, hoa quả, được mở cửa phục vụ nhân dân…để thống nhất cách làm, không để người dân hiểu nhầm, hoang mang…
“Sáng nay (27/3) UBND TP có triệu tập một số đơn vị lên để thống nhất nội dung những cửa hàng nào có thể được mở cửa để phục vụ nhu cầu của người dân, trên cơ sở là thống nhất đối với các TTTM chỉ mở cửa các siêu thị tổng hợp và văn phòng, bệnh viện, còn đối với các siêu thị mở cửa phục vụ nhân dân đầy đủ (trừ dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, dịch vụ cà phê, làm đẹp). Sau cuộc họp, báo cáo UBND TP ra văn bản chỉ đạo thống nhất tổ chức triển khai trên địa bàn toàn Thành phố, tránh xảy ra các cách hiểu, cách làm khác nhau trên địa bàn 30 quận huyện thị xã, dẫn đến tình trạng như trên”, bà Lan cho biết.
Đối với việc dự trữ hàng hóa, theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã xây dựng theo phương án 3 với 5 cấp độ để tổ chức thực hiện và sẽ gửi lại doanh nghiệp, UBND các quận, huyện, thị xã để trên cơ sở đó rà soát, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và nhu cầu thực hiện và xây dựng phương án cho sát, phù hơp từng cấp độ. Hiện nay còn 6 quận huyện chưa xây dựng phương án dự trữ hàng hóa là Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Phú Xuyên. Sở Công Thương đề nghị các quận huyện này khẩn trương ban hành phương án dự trữ hàng hóa và thành lập các tổ điều phối hàng hóa khi chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất xảy ra là chúng ta phải điều động hợp lý, khoa học, hiệu quả thì mới có thể phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn.