GRDP tỉnh Lâm Đồng năm 2022 đứng đầu vùng Tây Nguyên
Khu vực Dịch vụ là trụ đỡ kinh tế của địa phương
Theo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều khởi sắc, có sự tăng trưởng mạnh mẽ và phục hồi trở lại với trạng thái bình thường mới, đặc biệt là các ngành như công nghiệp; dịch vụ ăn uống lưu trú và Vận tải, du lịch lữ hành; xuất khẩu hàng hóa... Dự ước GRDP năm 2022 theo giá so sánh 2010 tăng 12,09% so với cùng kỳ, với tốc độ tăng như trên, tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 09 so với cả nước và xếp thứ nhất vùng Tây Nguyên.
Trong đó, Khu vực Dịch vụ được đánh giá là trụ đỡ của kinh tế tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022, ước đạt 23.285,5 tỷ đồng, tăng 21,21% so với cùng kỳ, đóng góp 8,09 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP. Đây là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ vì hoạt động dịch vụ, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh đã phục hồi cùng với việc tổ chức Lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX, đã đẩy tốc độ khu vực này tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (năm trước khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19).
Hoạt động du lịch đóng góp rất lớn vào kinh tế tỉnh Lâm Đồng. |
Khu vực Công nghiệp và xây dựng đạt 10.409,9 tỷ đồng, - tăng 9,55%, đóng góp 1,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP. Trong đó ngành công nghiệp đạt 6.264,4 tỷ đồng, chiếm 60,17 % trong khu vực này, tăng 14,69% so với cùng kỳ, đóng góp 1,59 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP. Địa phương đã chú trọng sản xuất một số ngành nghề sản xuất có lợi thế cạnh tranh như Công nghiệp chế biến rau, củ, quả, chế biến sợi lông cừu, Nhôm, Bôxit và sản xuất điện năng, tạo sự đa dạng, phong phú trong sản phẩm công nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Về hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022 đã diễn ra theo chiều hướng tích cực và tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Công tác quản lý, điều hành giá, đảm bảo cân đối cung - cầu, bình ổn giá các loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu, cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lưu trú năm 2022 đạt 71.854,3 tỷ đồng, tăng 37,09% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán lẻ năm 2022 đạt 50.866,1 tỷ đồng tăng 22,77%, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 2.134,5 tỷ đồng, tăng 210,6%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 9.870 tỷ đồng, tăng 105,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 45,9 tỷ đồng, tăng 4.285,74%. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước năm 2022 đạt hơn 4.970,6 tỷ đồng, tăng 56,85% so với cùng kỳ.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ước năm 2022 đạt 1.050,4 triệu USD, tăng 20% tương ứng tăng 175,1 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 886,9 triệu USD, tăng 27,31% (tăng 190,4 triệu USD) và trị giá nhập khẩu là 163,7 triệu USD, giảm 8,54% (giảm 15,3 triệu USD).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 01/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,73%).
Về tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022, đã tiếp tục thu hút đầu tư các ngành công nghiệp trọng điểm, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực. Ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ thu hoạch và bảo quản nông sản. Phân bổ hợp lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên các vùng của tỉnh và khai thác hiệu quả các khu công nghiệp hiện có.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ngành khai khoáng tăng 29,16%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,15%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,13%; ngành cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,88%.
Nhiệm vụ ngành Công thương trong năm 2023
Bước sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu cụ thể tập trung vào phát triển tỉnh bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường với đặc thù vốn có về cảnh quan, khí hậu... Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các loại nông sản, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp, cây dược liệu nhằm khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tổ chức triển khai các dự án sản xuất công nghiệp mới, thu hút đầu tư các Khu công nghiệp....
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phát triển ổn định. Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kết nối mở rộng thị trường kinh doanh trong điều kiện nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là mặt hàng xăng dầu, phân bón, thức ăn gia súc; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; kích cầu tiêu dùng, duy trì hoạt động xuất khẩu. Thực hiện các giải pháp để kích cầu du lịch, đặc biệt trong dịp Hè, Lễ, Tết.
Trong thời gian đến, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu |
Tiếp tục duy trì tốc độ phát triển các ngành có tỷ trọng cao như ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến... Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ; khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế, phát huy tính tự cường, tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Ngoài ra, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hiện đại hạ tầng, xanh, thân thiện môi trường; đầu tư chỉnh trang hạ tầng, quản lý kiến trúc.... Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thanh toán giải ngân của từng dự án đầu tư công. Thúc đẩy sớm đưa vào khởi công tuyến cao tốc Tân Phú Liên Khương; mở rộng sân bay Liên Khương, mở nhà máy luyện nhôm...