Thứ ba 19/11/2024 18:26

Giáo dục tài chính - "chìa khóa" bảo vệ quyền lợi người dùng thẻ tín dụng

Theo chuyên gia, thay vì chỉ tập trung nói về chức năng của thẻ thì giáo dục, phổ cập về kiến thức tài chính cơ bản sẽ bảo vệ quyền lợi người dùng thẻ tín dụng.

Phổ cập kiến thức tài chính có nhiều thiếu hụt

Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế cũng như việc vệ quyền lợi người dùng khi sử dụng thẻ tín dụng tại hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Ths. Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản - FIDT - cho biết, trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích mang lại cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý trên nhiều khía cạnh. Sự tiện lợi, an toàn, minh bạch và tối ưu của các phương thức này mở ra vô vàn tiềm năng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong đó, theo Ths. Ngô Thành Huấn, thanh toán qua thẻ tín dụng là xu hướng có nhiều thế mạnh cả trong sự tiện lợi khi thanh toán, nguồn tín dụng nhanh với chi phí hợp lý nếu sử dụng phù hợp và còn có các cơ chế hoàn tiền giúp tối ưu các chi tiêu sinh hoạt của mỗi gia đình. Tuy nhiên, “để thúc đẩy một trong những phương thức chủ lực hướng đến nền kinh tế không tiền mặt, chúng ta vẫn đang đối diện nhiều thử thách. Bên cạnh những giải pháp để hoàn thiện về pháp lý và hạ tầng công nghệ thúc đẩy hoạt động thẻ của Chính phủ và các định chế tài chính thì song song đó, nâng cao dân trí tài chính để giúp người dân có sự tin tưởng và chủ động hòa nhập vào xu hướng chung cũng là một giải pháp cần quan tâm thúc đẩy. Khi thiếu các kiến thức tài chính, chỉ cần một vài sự vụ nhỏ cũng có thể làm suy yếu niềm tin và làm chậm lại tiến trình của định hướng này”, Ths. Ngô Thành Huấn khẳng định.

Ths. Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản - FIDT

Ông cũng nhắc lại sự vụ, nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bỗng chốc biến thành nghĩa vụ thanh toán khủng lên đến 8,8 tỷ đồng - tương ứng với giá trị tài sản bình quân của top 5% người giàu nhất Việt Nam theo thống kê từ Cơ sở Dữ liệu Bất bình đẳng Thế giới. “Sự vụ dù được lãnh đạo của phía ngân hàng ngay lập tức làm rõ và xoa dịu trên truyền thông nhưng vẫn không thể ngăn được “trào lưu” kiểm kê và hủy hàng loạt thẻ tín dụng và kéo theo nhiều ngân hàng khác cũng bị vạ lây trong thời gian ngắn”, ông Huấn nói.

Lãnh đạo FIDT phân tích thêm, xét đến xu hướng hủy thẻ tín dụng khá nhiều sau lùm xùm trên, trước tiên cần hiểu thêm về thói quen chi tiêu cũng như cách nhìn nhận của người Việt về thẻ tín dụng. Theo ông Huấn, có thể thấy rõ thế hệ 8x trở về trước vẫn giữ thói quen khá cẩn trọng trong việc chi tiêu, tính toán chi tiết để vén khéo túi tiền của gia đình. “Cũng như trong bối cảnh 10 - 20 năm trở về trước khi các nhu cầu mua sắm, du lịch, giải trí vẫn chưa phong phú và đa dạng như hiện nay thì có thể giải thích phần nào cho việc thế hệ này vẫn khá hạn chế tương tác với thẻ tín dụng”, ông Huấn nhận định.

Trong khi đó, với sự phát triển của thương mại điện tử cũng như các xu hướng phong phú về sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, đa số người trẻ hiện nay đang ngày càng cởi mở hơn về thói quen chi tiêu và trải nghiệm cuộc sống. Số liệu về phân bổ chi tiêu trong các gia đình trung lưu do FIDT thực hiện trên 300 khách hàng đã chỉ ra rất rõ tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10 - 15% so với người trẻ dưới 35.

Bên cạnh đó, khả năng đón nhận và thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt hơn cũng giải thích cho việc có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng, so với 40% của những người trên 30 tuổi (theo một khảo sát các dịch vụ Ngân hàng tại Việt Nam).

“Như vậy, tác động ngắn hạn hủy thẻ theo dư âm của câu chuyện kể trên thật ra đang từ phân khúc người tiêu dùng trung niên là chủ yếu. Điều này cũng chỉ khắc họa thêm cho một nguyên nhân cốt lõi sâu hơn, đó là sự thiếu hụt về dân trí tài chính của người Việt trong rất nhiều năm qua”, Giám đốc điều hành FIDT khẳng định; đồng thời cho biết thêm rằng, nếu thật sự nhìn câu chuyện dân trí tài chính, thì có thể giải thích ngay cho việc chỉ có hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, trong khi các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia là 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan (Trung Quốc) 54%.

Khả năng đón nhận và thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt, có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng

Vẫn là câu chuyện của thị trường tài chính, ông Huấn cho hay, tỷ lệ người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc tham gia thị trường chứng khoán cũng ở mức thấp hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và thấp hơn rất nhiều so với các trung tâm tài chính như Singapore, Hong Kong hay Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể hơn, trong các cuộc khảo sát dân trí tài chính do các tổ chức quốc tế thực hiện, chúng ta luôn đứng ở vị trí rất thấp. “Vậy người Việt kém thông minh?”, ông Huấn đặt câu hỏi và tự trả lời “có vẻ không phải vậy khi mà trong các kỳ thi Olympic Toán hay Vật lý thì thứ hạng của chúng ta rất cao”.

Theo Ths. Ngô Thành Huấn, nguyên nhân thật sự đến từ việc thiếu hụt về phổ cập kiến thức tài chính căn bản cho người dân. Đó cũng là lý do cho sự ra đời của Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Nói một cách rộng ra, vấn đề tài chính của từng gia đình nói riêng và sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung sẽ đi song hành với dân trí tài chính”, ông nói.

Thay đổi cách nhìn từ “sản phẩm là chủ đạo” sang “khách hàng là trọng tâm

Làm rõ hơn vai trò của thẻ tín dụng trong bức tranh tài chính toàn diện của mỗi cá nhân, ông Huấn cho rằng, có nhiều tính năng nổi bật cho tất cả các đối tượng. Có thể liệt kê thành 3 nhóm chính: Nguồn vay tiền nhanh cho các nhu cầu tiêu dùng hoặc khẩn cấp với lãi suất hợp lý, an toàn so với vay nóng và tín dụng đen, còn được miễn lãi từ 45 - 55 ngày; tối ưu tài chính với các cơ chế trả góp và hoàn tiền khi chi tiêu; thuận tiện quản lý chi tiêu khi không cần dùng tiền mặt và có thể theo dõi lịch sử chi tiêu dễ dàng.

“Cả 3 tính năng này nếu được đặt trong 1 kế hoạch tài chính rõ ràng và dài hạn sẽ giúp mỗi gia đình bảo vệ và xây dựng tài chính bền vững hơn cũng như tăng tính trải nghiệm cuộc sống cho các thành viên trong gia đình. Theo thứ tự, đó là việc theo dõi được hạn mức cũng như các đầu mục chi tiêu trong cuộc sống, tận dụng phù hợp các ưu đãi hoàn tiền và thanh toán trả góp, và chẳng may nếu có các sự cố bất trắc cần tiền trong ngắn hạn, trước khi có nguồn tiền hỗ trợ từ người thân, từ lương hoặc các khoản chi trả của bảo hiểm thì cá nhân vẫn có thể tiếp cận một nguồn vay với lãi vay hợp lý hơn rất nhiều so với tín dụng đen”, ông Huấn phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Huấn, việc sử dụng thẻ tín dụng hợp lý cũng cần được áp dụng để thật sự tối ưu về tài chính cho mỗi gia đình. Theo đó, cần hiểu việc rút tiền mặt sẽ bị tính phí ngay lập tức chứ không miễn lãi và thường mức này cũng không nhỏ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chi tiêu để tránh bị thói quen lạm phát lối sống làm ảnh hưởng đến việc tích lũy tài chính dài hạn và kế hoạch thanh toán nợ thẻ để không bị quá hạn dẫn đến ảnh hưởng đánh giá tín dụng cho các khoản vay khác lớn hơn về sau. Đồng thời, cần nắm rõ cách tính lãi của thẻ tín dụng, không phải thanh toán tối thiểu là sẽ không bị tính lãi. “Không kém phần quan trọng, bảo vệ thẻ cẩn thận và báo ngay khóa thẻ khi mất thẻ”, ông Huấn khuyến nghị.

Thay vì chỉ tập trung nói về chức năng của thẻ thì giáo dục, phổ cập về kiến thức tài chính cơ bản sẽ bảo vệ quyền lợi người dùng thẻ tín dụng

Để phát triển thị phần thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa, Giám đốc điều hành FIDT nêu 4 giải pháp:

Thứ nhất, thị phần tại các tỉnh thành nhỏ, khu công nghiệp, với đa số người dân kinh doanh tự do, lao động phổ thông, công nhân và giới văn phòng thu nhập tầm trung vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị dính tín dụng đen, tỷ lệ tiếp cận sản phẩm tài chính thấp, cũng như là đối tượng chính cho chương trình tài chính toàn diện. “Nên có những chương trình phổ cập về kiến thức tài chính cơ bản, thay vì chỉ tập trung nói về chức năng của thẻ. Cần có những chất liệu mang tính điều chỉnh tư duy của nhóm khách hàng này. Phối hợp với các cơ quan: Đoàn Thanh Niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ để sát sườn và triển khai tần suất dày hơn và có chiều sâu hơn”, ông Huấn đề xuất.

Thứ hai, để triển khai việc nâng cao dân trí tài chính, ngay chính lực lượng cán bộ ngân hàng cũng phải được cập nhật kiến thức về tài chính cá nhân. “Khi chính lực lượng “tiền tuyến” vẫn còn khá yếu và không đồng bộ trên diện rộng về bộ khung năng lực thì rất khó thay đổi thị trường và hỗ trợ người dân”, ông nói.

Thứ ba, thiết kế các nhóm phí thu, các chương trình ưu đãi linh hoạt hơn theo từng phân khúc về hành vi tiêu dùng, về thu nhập và địa bàn để tối ưu mức độ phủ khi triển khai thực tế.

Thứ tư, chuyên nghiệp và minh bạch trong các tư vấn về cách tính lãi, các điểm nên tránh khi dùng thẻ. “Xu hướng của thị trường tài chính thế giới từ lâu đã chuyển đổi sang hướng khách hàng là trọng tâm (Client-centric), tuy nhiên thị trường tài chính Việt Nam vẫn rất nặng về sản phẩm là chủ đạo (Product-push) với các áp lực về doanh số mà ít chú trọng đến giá trị và trải nghiệm của khách hàng”, Ths. Ngô Thành Huấn nêu nhận xét.

Lê Na
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất ASEAN, vượt trội chi tiêu ở nước ngoài

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Home Credit mở rộng Home PayLater trên siêu ứng dụng BE, người dùng có thêm phương thức “Mua trước, trả sau”

Vì sao lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng?

Thương mại trực tuyến qua livestream bùng nổ khi người tiêu dùng Việt tìm kiếm trải nghiệm mua sắm

Hàng hóa Nga mở rộng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam

WinCommerce đã có lãi ròng sau thuế dương trong quý 3 năm 2024

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bán hàng đa cấp

UNIQLO giới thiệu loạt sản phẩm Thu Đông thiết yếu trong không gian trưng bày độc đáo

Thu hồi 5 sản phẩm bồn chứa nước công nghiệp Bridgestone

Bùng nổ ưu đãi với các gói cước dài kỳ từ MobiFone

Công nghệ TPA của Airdog: Bước đột phá trong cuộc cách mạng làm sạch không khí

Hân Korea và hành trình chinh phục lòng tin khách hàng

Đại siêu thị Co.opXtra mở rộng mạng lưới tại TP. Hồ Chí Minh

Colusa - Miliket: Hành trình xanh từ những sợi mì 'đơn tính năng'

Hòa Phát xuất khẩu thành công tủ lạnh thế hệ mới vào thị trường Hoa Kỳ

Tổng đài 1800.6838 hỗ trợ, xử lý thành công gần 70% phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng

Nhận chứng nhận Seiko Salon, Hải Triều mở bán King Seiko tại Showroom Quận 1

Ngành Công Thương Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025

Chậm chuyến, huỷ chuyến, chậm hoàn tiền: Hàng không Việt Nam dần mất uy tín, lòng tin với du khách nước ngoài