Chất lượng tạo thịnh vượng:
Đây là giải thưởng cao nhất trong hệ thống pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng hàng năm, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
22 doanh nghiệp nhận giải vàng CLQG |
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, một trong những điểm nổi bật của giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2018 là có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có doanh thu "nghìn tỷ", có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phong trào năng suất chất lượng tại địa phương.
“Là giải thưởng chất lượng duy nhất được Chính phủ quyết định, 7 tiêu chí rất khắt khe của giải thưởng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, không ngừng cải tiến năng suất chất lượng để nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp có doanh thu hàng tỷ đồng đã vinh danh trên bục nhận GTCLQG và đã khẳng định thương hiệu của mình như: VietinBank, Traphaco, Tân Hiệp Phát… nhiều doanh nghiệp trước kia đạt giải bạc thì năm nay giải vàng. Điều này cho thấy sự phát triển và lan tỏa của hệ thống giải thưởng”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm.
Nói về lợi ích mà GTCLQG mang lại, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh chia sẻ: “Chúng tôi xem yếu tố chất lượng là hàng đầu và dịch vụ thì phải thỏa mãn nhu cầu của người mua, thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm để chúng tôi nâng cao hình ảnh uy tín của mình trên thị trường và trong 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng của Nhựa Bình Minh về doanh số và sản lượng đều trên 15%. Để đat được thành tựu như vậy chúng tôi đã không ngừng nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2017, chúng tôi đã áp dụng các công cụ cải tiến năng suất Nhật Bản vào hệ thống sản xuất (5S, Kaizen) cùng các hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015, ISO 14001, ISO 50001….”
Không ngừng đổi mới-sáng tạo
Một kinh nghiệm của các doanh nghiệp đạt giải thưởng cho thấy, để có được những thành tựu như ngày hôm nay các doanh nghiệp luôn phải nỗ lực không ngừng cải tiến năng suất - cải tiến chất lượng.
Theo ông Nguyễn Huy Văn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco: “Được thành lập từ năm 1993 và đi lên từ con số không, chúng tôi phát triển như ngày hôm nay là nhờ không ngừng đổi mới. Có nhiều quyết định đổi mới thành công nhưng cũng có quyết định thất bại. Dấu ấn là từ năm 2015 chúng tôi đổi mới hệ thống phân phối, thông qua xây dựng triển khai hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý doanh nghiệp như: Hệ thống phân phối (DMS) trong quản lý bán hàng, Hệ thống giám sát độc lập (TNS), áp dụng KPI… khó khăn xảy ra khi công ty quyết định không bán chịu, doanh thu đã bị sụt giảm năm đầu nhưng chúng tôi vẫn kiên trì với quyết định này”.
Còn theo ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát: “Chúng tôi kiên trì mục tiêu liên tục đổi mới công nghệ sản xuất, liên tục cải tiến công nghệ từ chiết chai thủy tinh (RGB) đến chiết nóng (Hotfill) và đặc biệt từ năm 2008 Tân Hiệp Phát đã áp dụng công nghệ chiết lạnh vô trùng (Aseptic), nghiên cứu và phát triển công nghệ cô đặc (Concentrate) nhờ đó đã tạo ra những sản phẩm nội địa đích thực như Trà Thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ. Chất lượng các sản phẩm của chúng tôi đã được chứng nhận FDA của Cục Quản lý thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ và Chứng nhận Halal dành cho các quốc gia Hồi giáo nhờ kiểm soát tốt nhất chất lượng sản phẩm, giữ lại tối đa hàm lượng dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, và hương vị tự nhiên nhất mà không sử dụng chất bảo quản, màu công nghiệp.
Ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát lên nhận giải Vàng CLQG 2018 |
“Tân Hiệp Phát cũng coi quản trị là vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Chúng tôi bỏ ra nhiều triệu đôla để lựa chọn công ty tư vấn hàng đầu thế giới là ATKearney (ATK) để tái thiết kế cơ cấu tổ chức, lập các kế hoạch chiến lược dài hạn và ngắn hạn, xây dựng quy trình có chỉ tiêu thời gian cần thiết để thực hiện công việc, thời gian tối đa cho phép (leadtime), và cải tiến liên tục", ông Trần Quí Thanh chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong quản lý chất lượng hiện nay, nhận thức và cam kết về chất lượng phải xuất phát từ người lãnh đạo cao nhất, sau đó phải được phổ cập đến mọi người lao động trong công ty. Doanh nghiệp phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng và coi đó như công cụ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. GTCLVN được xem như một công cụ quan trọng giúp các DN thực hiện mục tiêu này với thực tế của công ty và phải duy trì, cải tiến chúng thường xuyên.
Tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những đóng góp của giải thưởng trong việc không ngừng lan tỏa, tạo nên phong trào năng suất chất lượng trong những năm qua. Phó Thủ tưởng nhấn mạnh: Muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Để đạt được như vậy thì chúng ta phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và không ngừng đổi mới, sáng tạo. Phó Thủ tướng mong rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào phong trào năng suất - chất lượng để góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.
Thực tế 23 năm qua cho thấy, GTCLVN đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một phong trào đơn thuần và trở thành một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tự hoàn thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ quản lý, uy tín và lòng tin đối với khách hàng. Các doanh nghiệp tham gia GTCLVN và áp dụng 7 tiêu chí đều là những doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng khá, kết quả sản xuất kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. |