Già làng Tây Nguyên đưa Trường Sa lên…núi!
Ngày nay, đất nước ta đã hòa bình, thống nhất nhưng trên biển Đông, ở ngoài quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn bị tranh chấp, nhòm ngó và đe dọa. Sau chuyến hải trình dài ngày để đến với Trường Sa thì nhiều già làng ở Tây Nguyên đã trở thành những “bảo tàng sống” để truyền thêm tình yêu biển đảo, quê hương, khơi dậy tinh thần lao động không chịu khuất phục khó khăn cho bà con buôn làng, những người chưa một lần được đặt chân đến vùng biển xa xôi.
Nhiều năm trôi qua, già làng Y Huôn vẫn còn lưu giữ cuốn nhất ký Trường Sa |
Già làng Tây Nguyên kể chuyện Trường Sa
Nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các già làng sinh ra, lớn lên ở giữa đại ngàn Tây Nguyên chưa một lần nhìn thấy biển đảo. Thế nên, việc được đặt chân lên quần đảo Trường Sa là điều mà các già làng chưa bao giờ được nghĩ tới.
Thế nhưng, với những đóng góp cho sự đoàn kết dân tộc, phát triển của buôn làng, nhiều già làng đã được Nhà nước cho đi thăm quan Trường Sa. Chuyến đi dài ngày đã để lại cho các già làng rất nhiều cảm xúc. Bởi từ miền đất đỏ Tây Nguyên nay các già làng đã được tận mắt chứng kiến, ngắm nhìn biển đảo của đất nước ta mênh mong, rộng lớn đến nhường nào.
Khi được hỏi về Trường Sa, già Yhơ Êban, người dân tộc Ê Đê, trú tại huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) ngay lập tức bị cuốn vào những hình ảnh của chuyến đi và dòng cảm xúc. Già kể cho chúng tôi nghe tường tận chi tiết về những điều mắt thấy tai nghe ở Trường Sa. Già say sưa tả về chuyến đi đến các đảo, về lãnh thổ của đất nước và cả những điều giản dị, yên bình trên biển đảo Việt Nam. Đó là câu chuyện về lễ chào cờ ở Trường Sa lớn, về lớp học ngoài đảo và cả câu chuyện các chiến sỹ trẻ đang canh giữ biển trời quê hương.
Già Y Kroak Ya kể chuyển Trường Sa cho vợ và các cháu nghe |
Trong cuốn nhật ký Trường Sa của già thông tin khá đơn giản, chỉ ghi lại những mốc thời gian, địa điểm và sự kiện một cách đại ý. Già nói mình ghi nhanh, những ý chính để còn có thời gian nhìn ngắm những công trình của đảo, ngắm nhìn cuộc sống của các chiến sỹ, người dân trên đảo. Ngoài nhật ký, già Y Kroak Ya còn cẩn thận lưu trữ và tráng rửa tất cả những hình ảnh mà ông chụp bằng điện thoại để khi bà con đến hỏi thăm, già có thể vừa kể vừa cho họ xem những hình ảnh ông chụp được.
Với già Y Kroak Ya, người dân tộc M’Nông, ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) quanh năm suốt tháng gắn với cái nắng, cái gió của Tây Nguyên. Chuyến đi Trường Sa mà Nhà nước tổ chức cho các già làng vào năm 2014 là lần đầu tiên già Y Kroak Ya được đến với biển đảo và ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp, nước biển xanh thẳm... Khi đặt chân lên biển đảo, già rất thích thú, bồi hồi, xúc động khi gặp gỡ những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo của tổ quốc.
Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước
Về với đất liền, với đại ngàn Tây Nguyên, câu chuyện về Trường Sa được các già làng khắc cốt, ghi tâm và luôn sẵn sàng kể cho mọi người trong buôn làng nghe. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều già làng cho biết, mấy năm nay, từ ngày ở đảo xa trở về họ đã đón tiếp hàng trăm lượt người tìm đến để nghe kể chuyện về biển đảo, Trường Sa… Sau khi nghe một cách tường tận những gì mà già nhìn thấy bà con ai cũng cảm động và khâm phục.
Già làng YHơ Êban kể chuyện về Trường Sa, biển đảo cho con cháu, bà con lối xóm |
Qua lời kể cảm động, uy tín của già, bà con trong buôn làng đã bày tỏ sự nể phục các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Không những vậy, các chiến sỹ ở nơi đảo xa đã tiếp thêm động lực cho bà con ở Tây Nguyên có thêm tinh thần, nghị lực thoát nghèo và khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Già Ea Duẩn, ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tâm sự, khi đặt chân đến với Trường Sa tôi được chứng kiến các hoạt động của chiến sỹ nơi đây như: Chăn nuôi, trồng trọt… Công việc này tưởng chừng như rất đỗi bình thường nhưng điều mà già cảm nhật rõ nhất là bài học về ý chí kiên cường, không chịu khuất phục khó khăn của người lính nơi đây.
Già Chu Văn Chừng với việc phát triển kinh tế |
“Mặc dù không có đất rẫy màu mỡ, nước nôi đầy đủ, khí hậu thuận lợi như ở Tây Nguyên nhưng các chú bộ đội ở ngoài biển đảo vẫn đã biết cách chắt chiu từng nắm đất, từng giọt nước để trồng rau xanh, nuôi được nhiều gà, vịt, heo… béo tròn, bảo đảm cuộc sống” – già Ea Duẩn nể phục.
Theo già Ea Duẩn, sau khi từ Trường Sa trở về, thấy nhiều hộ dân trong xã có diện tích vườn, ao cá chưa được đầu tư phát triển hiệu quả thì già liền bàn với cán bộ thôn đến nhà dân. Khi đến tận nhà bà con, già đã kể cho bà con chuyện gian khó ở Trường Sa. Bằng những câu chuyện chân thực, già đã vận động bà con cải tạo đất đai đưa vào sản xuất, phát triển kinh tế. “Chính những câu chuyện chân thật đó đã giúp nhiều người dân trong buôn làng biết nỗ lực lao động, chinh phục tự nhiên, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống”– già Ea Duẩn vui mừng cho biết.
Các già làng chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trên boong tàu ra Trường Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tương tự, mang tinh thần của những người chiến sỹ nơi đảo xa về trong gia đình, già Y Huôn, người dân tộc M’nông, ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) khiến nhiều người kính nể với việc chăm chỉ lao động sản xuất, nuôi dạy con cái. Bên cạnh việc lao động, sản xuất, những năm qua, già đã bận rộn hơn khi được mời đi kể chuyện về Trường Sa cho học sinh các trường dân tộc nội trú, các bà con trên bon làng.
Già Y Huôn tâm sự: “Những câu chuyện từ Trường Sa như món ăn tinh thần vô giá cùng quý giá đối với tôi và bon làng. Nhìn những vườn rau, những mô hình chăn nuôi trong điều kiện của biển còn nhiều khó khăn đã khiến cho già học được tính kiên trung, cách vươn lên khó khăn của các chiến sỹ. Hiện nay, con cái của già đã khôn lớn ổn định cuộc sống, có công ăn việc làm ổn định”.
Già làng YHơ Êban lưu giữ cẩn thận những tài liệu về biển đảo |
Còn già làng YHơ Êban, ở huyện Buôn Đôn chia sẻ: “Trong cuộc sống thường ngày già luôn dành thời gian để chia sẻ về những gì già đã từng “mắt thấy, tai nghe” qua chuyển hành trình ra quần đảo Trường Sa. Mỗi ngày một câu chuyện nhỏ, kể từ trong gia đình đến họp khu dân cư, đến các cuộc nói chuyện với các tổ chức đoàn thể.
Rồi cứ thế, những câu chuyện về biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc được kể cho các thành viên trong gia đình, rồi lan truyền sang hàng xóm, bon làng. Già đã đưa nhiều thông tin về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc đến với người dân. Chính những câu chuyện ấy, đã góp phần giúp cho nhiều người dân có được cái nhìn thực sự đầy đủ, qua lời kể chuyện, qua những người đã nhìn của người con bon làng.
Sau hải trình đến với Trường Sa già làng Ea Duẩn tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình |
Em Y Quyên, ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn chia sẻ: “Khi được già làng kể chuyện về biển đảo, Trường Sa người dân trong buôn làng ai cũng nghiêm túc lắng nghe. Đó là những câu chuyện ở rất xa nơi em đang sinh sống nhưng lại rất gần gũi với người dân địa phương. Chúng em tuy còn nhỏ nhưng rất cảm phục tinh thần kiên trung, vượt qua thời tiết khắc nghiệt, khó khăn của người lính nơi đảo xa. Mai này, nếu gặp chuyện gì khó khăn em và các bạn nhỏ trong buôn làng cũng sẽ không bỏ cuộc, quyết tâm vượt qua mọi hoàn cảnh”.
Theo ông K’Khét ATô, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Nông, việc các già làng được trực tiếp đi thăm quan biển đảo đã nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các già làng sau khi trở về, mỗi người với trách nhiệm của mình đã làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về biển, đảo, tạo đồng thuận trong nhân dân theo tinh thần “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc”.
“Khi già làng đã ủng hộ thì mọi việc đều diễn ra trôi chảy, việc tuyên truyền mọi mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin đối ngoại sẽ dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Thông qua chuyến đi Trường Sa, các già làng đã truyền đạt cho bà con dân làng tình yêu quê hương, biển đảo và đặc biệt là tinh thần lao động, vươn lên trong cuộc sống. Hình thức thông tin trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con ở các buôn làng không ngừng vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc” – ông K’Khet ATô, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Nông khẳng định.