Giá cà phê Robusta tăng tuần thứ 9 liên tiếp, giá cà phê Arabica hạ nhiệt
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 giảm 153 USD/tấn, ở mức 4.151 USD/tấn, giao tháng 9/2024 giảm 150 USD/tấn, ở mức 4.065 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 4,1 cent/lb, ở mức 224 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 3,9 cent/lb, ở mức 222,4 cent/lb.
Tổng kết tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 71 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 7,85 cent. Giá cà phê nội địa tiếp tục tăng trung bình 8.000 đồng/kg, liên tiếp xô đổ các mức giá.
Giá cà phê tiếp tục tăng mạnh do nguồn cung eo hẹp. Ở Tây Nguyên, một số diện tích cà phê chết khô vì thiếu nước tưới do khô hạn kéo dài. Nguồn cung cà phê đang khủng hoảng nghiêm trọng và sẽ còn khan hiếm trong thời gian dài.
Giá cà phê nhân cao nhất trong lịch sử đang khiến cây cà phê giống cháy hàng chưa từng có tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Ngay giữa mùa khô bỏng rát, suối hồ khô cạn, lái buôn cây cà phê vẫn len lỏi, vét sạch cây giống ở các vườn ươm, đợi bán ra kiếm lời khi làn sóng đua trồng cà phê bùng phát mạnh ngay đầu mùa mưa tới. Cà phê Việt Nam có tái khủng hoảng thừa diện tích và sản lượng hay không vẫn là vấn đề của vài năm nữa, nhưng nỗi lo chất lượng cây giống đã xuất hiện ngay từ bây giờ.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, giá cà phê hiện nay đã lên mức cao nhất mọi thời đại, với giá giá giao tháng 5/2024 là 4.224 USD/tấn,vượt xa mức 3.150 USD/tấn đạt được vào tháng 6/1994, nên tình trạng đổ xô trồng cà phê gần như là hệ quả tất yếu.
Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, diện tích trồng cà phê, ca cao đang dần bị thu hẹp do nhiều năm cà phê rớt giá. Số liệu thu thập đến hết năm 2022, Việt Nam có 656.000ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi tăng cao. So với năm 2019, diện tích cà phê năm 2022 giảm 5%.
Giá cà phê tiếp tục leo thang khiến các nhà sản xuất và xuất khẩu lo lắng khi có những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết dài hạn. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, với các công ty xuất khẩu và công ty nước ngoài, do hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua cà phê với giá cao để giao hàng.
Giá cà phê Robusta nối tiếp đà tăng sang tuần thứ 9 liên tiếp, thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử do lo ngại thiếu hụt nguồn cung |
Giá cà phê tăng cao kỷ lục nên nông dân sau thu hoạch cũng ít gửi đại lý, vì họ không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ lại chờ bán từ từ. Vì vậy, lượng cung nhỏ giọt và giá cao khiến thị trường cà phê căng thẳng... Đó là những phác thảo cơ bản phía sau bức tranh có vẻ rực rỡ của thị trường cà phê hiện nay.
Giá cà phê Robusta nối tiếp đà tăng sang tuần thứ 9 liên tiếp, thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Khô nóng tiếp diễn tại Việt Nam, kéo theo lo ngại về nguồn cung cà phê vụ 2024/2025 sụt giảm. Điều này đã tiếp tục đẩy giá lên cao.
Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu lớn Brazil đã bắt đầu thu hoạch nhưng thị trường lại kỳ vọng nguồn cung sẽ giảm. Nguyên nhân là do nắng nóng đỉnh điểm vào cuối năm 2023 kéo theo rủi ro sản lượng cà phê Robusta đang thu hoạch sẽ giảm 5-10%. Sức ép nguồn cung càng gia tăng khi Indonesia hoãn giai đoạn thu hoạch sang tháng 6 do cà phê chín muộn.
Ngược chiều với diễn biến Robusta, giá cà phê Arabica giảm từ mức cao nhất trong 1 năm rưỡi do nguồn cung được cải thiện.
Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US kết thúc tuần ở mức 656.657 bao loại 60kg, tăng 13.567 bao, tương đương 2,1% so với tuần trước.
Ngoài ra, trong 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng 4/2024, Brazil xuất khẩu trung bình 13.900 tấn cà phê chưa rang mỗi ngày, tăng 81,4% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cà phê rang, chiết xuất, tinh chất cà phê và chất cô đặc trung bình 449 tấn mỗi ngày trong 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng 4/2024, tăng 6,4% so với tháng 4 năm 2023, từ đó tạo sức ép cho giá.