Giá cà phê Robusta hồi phục, thêm kỳ vọng cho xuất khẩu cà phê Việt Nam
Thống kê mới nhất từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8 (sáng 18/8 giờ Việt Nam), giá cà phê Arabica tiếp nối đà giảm sang phiên thứ 8 liên tiếp, đẩy giá Arabica hợp đồng tháng 12 về mức thấp nhất trong 7 tháng. Thị trường tiếp tục neo theo những tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil.
Giá cà phê Robusta đang dần khởi sắc |
Theo số liệu của Hiệp hội Những nhà xuất khẩu Cà phêBrazil (CECAFE), 16 ngày đầu tháng 8, Brazil đã xuất khẩu trên 1,2 bao cà phê Arabica dạng hạt loại 60 kg, tăng mạnh so với mức 971.856 bao được vận chuyển ra nước ngoài trong cùng kỳ tháng trước. Điều này phần nào gây áp lực lên giá.
Ở chiều ngược lại, giá cà phê Robusta quay đầu khởi sắc sau 3 phiên giảm liên tiếp, đóng cửa tăng 0,55% so với tham chiếu. Thị trường cà phê Robusta vẫn phần nào đứng trước lo ngại nguồn cung cà phê hiện vẫn ở mức thấp tại các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu như Việt Nam và Indonesia.
Là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam và được trồng tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên (chiếm 36% về tổng sản lượng chung), hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Vì vậy khi giá cà phê Robusta tăng cũng là dấu hiệu cho thấy trong các tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn cao hơn nữa khi các hợp đồng theo giá mới được giao.
Đến nay, mặt hàng cà phê Việt Nam đã có mặt ở 37 thị trường chủ yếu, trong đó có 25 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Đức, tiếp đến là Italia, Mỹ, Nhật Bản…).
Xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD.
Năm 2022, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt khoảng 1,78 triệu tấn, thu về 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD.