Giá bông làm "chùn bước” các nhà sản xuất hàng may mặc châu Á Thị trường hàng hoá hôm nay 7/7: Giá bông tiếp tục giảm mạnh bất chấp lo ngại về chất lượng mùa vụ |
Theo báo cáo mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành, chất lượng mùa vụ bông sụt giảm đáng kể với tỷ lệ tốt - tuyệt vời chỉ đạt 31% là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Chất lượng sụt giảm là điều nằm trong dự đoán của thị trường khi thời tiết nắng nóng kéo dài tại vùng trồng bông chính. Với mức giảm mạnh như vậy, dự kiến đây vẫn sẽ là yếu tố có tác động tích cực lên giá bông trong thời gian tới.
Nhiệt độ trong tuần này tại bang Texas - vùng sản xuất bông lớn nhất tại Mỹ dự báo sẽ dao động từ 35-36 độ C, thấp hơn đáng kể so với mức khoảng 40 độ C trước đó. Song song với đó, độ ẩm duy trì ở mức trên 50% được kỳ vọng sẽ là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá bông.
Khẳng định thông tin này, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mùa vụ bông năm 2022-2023 do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng bông sẽ giảm. Các nhà đầu tư trên thị trường cũng đang rất thận trọng với các quyết định mua – bán bởi đang chờ đợi vào số liệu cung – cầu trong Báo cáo Dự báo cung và cầu nông nghiệp thế giới cuối tuần này.
Thực tế, giá bông đảo chiều theo xu hướng giảm ở thời điểm hiện nay theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam là mang tính chu kỳ và xu hướng tất yếu. Từ đầu năm đến tháng 4/2022, giá bông đã tăng 33% so với mức giá 2 USD/kg của năm 2021. Thời điểm này, khi sức mua toàn cầu giảm kéo giá bông giảm theo sẽ tác động tích cực lên đầu vào của dệt may Việt Nam. Nếu giá bông duy trì ở mức 2,4-2,5 USD, giá sợi của Việt Nam sẽ cạnh tranh tương đối tốt tại các thị trường xuất khẩu, bao gồm Mỹ và EU.
Giá bông duy trì đà suy yếu, dệt may Việt Nam được lợi |
Mặt khác, giá bông đảo chiều cũng tác động tốt đến sự khôi phục của ngành sợi và đối với sản xuất mặt hàng dệt kim - lĩnh vực thế mạnh của dệt may Việt Nam, dự kiến sẽ khôi phục vào quý IV năm nay.
Về lâu dài, giá bông đảo chiều cũng sẽ tác động tích cực đến việc định hình lại chiến lược của ngành sợi, hỗ trợ ngành này cơ cấu lại. Việt Nam có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu sợi pha, sợi polyester và sợi tổng hợp, nhưng dòng sợi cotton đang chững lại. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trụ cột của thị trường sợi toàn cầu, trong bối cảnh đó, ngành sợi đứng trước yêu cầu đa dạng hóa, đầu tư thiết bị công nghệ để thích ứng.
Chia sẻ thêm về tác động của Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7/2021, ông Vũ Đức Giang cho hay: Tháng 1/2021, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ đã thông báo lệnh cấm áp dụng đối với sợi bông thô, quần áo và hàng dệt làm từ bông trồng ở Tân Cương, kể cả các sản phẩm được làm ra ở nước thứ ba.
Cơ quan này sẽ tịch thu các lô hàng nghi ngờ và chỉ cho xuất kho nếu doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm của mình không có nguồn gốc từ bông Tân Cương. Nhà xuất khẩu cũng có thể chọn bốc dỡ hàng hóa khỏi lãnh thổ Mỹ và chuyển sang thị trường khác để giảm thiệt hại.
Đạo luật này cũng đã ảnh hưởng phần nào tới doanh nghiệp dệt may Việt Nam, tuy nhiên con số là không lớn. Nguyên do, Việt Nam hầu như không nhập khẩu bông Trung Quốc để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Mỗi năm chỉ nhập khẩu 0,2-0,5% bông từ thị trường này để sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng nội địa.
“Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn cầu buộc phải tuân thủ quy định của các thị trường xuất nhập khẩu, trong đó có thị trường Mỹ. Ngay khi phía Mỹ cảnh báo, các nhà sản xuất trong nước đã thận trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn nguyên phụ liệu cho các đơn hàng xuất khẩu, từ chối các đơn hàng sử dụng bông vải Trung Quốc”, ông Giang nói.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đồng thời cho biết thêm: “Mỹ là thị trường nhập khẩu bông lớn thứ 2, đồng thời là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam với trên 14 tỷ USD/năm. Chúng tôi đang tính đến việc cân đối lại thương mại dệt may với Mỹ theo hướng cân bằng hơn, cùng hướng đến phát triển bền vững”.