Giá phôi thép liên tục giảm, khiến VTM thêm khổ |
Khó khăn chồng chất
Ông Bùi Thanh Bình - Tổng giám đốc VTM - cho biết: Công ty thành lập tháng 10/2006, là đơn vị liên doanh với Trung Quốc, trong đó, Tổng công ty Thép Việt Nam chiếm 45% cổ phần, VTM góp 10%, còn lại phía Trung Quốc góp 45%. VTM có nhiệm vụ thực hiện Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, quản lý vận hành sản xuất sau khi công trình hoàn thành.
VTM nhanh chóng triển khai các thủ tục, thi công san lấp mặt bằng và đến tháng 4/2011, Nhà máy gang thép Lào Cai được khởi công xây dựng. Trong quá trình triển khai, VTM gặp rất nhiều khó khăn: Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy phải vay ngân hàng dài hạn chiếm tới 64% tổng vốn. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ, ngành, cùng sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đến tháng 12/2014, nhà máy chính thức đi vào sản xuất thương mại.
Nhà máy mới, những hạn chế về tay nghề công nhân, hạ tầng lưới điện kém ổn định, chi phí đầu vào như điện, dầu biến động…, khiến sản lượng phôi đạt thấp, tiêu hao trên đơn vị sản phẩm tăng, đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, giá phôi thép thời gian qua lại liên tục giảm sâu, hiện vào khoảng trên 8 triệu đồng/tấn (giá dự tính khi lập dự án năm 2006 là 11,5 triệu đồng/tấn).
Nhà máy càng vận hành càng thua lỗ, nên công ty chỉ dám chạy cầm chừng để bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong khi đó, nguyên vật liệu tồn kho tăng cao (tính đến cuối tháng 2/2015, tồn kho quy ra tiền lên tới 465,200 tỷ đồng), cùng với chi phí lãi vay ngân hàng phải trả, khiến VTM đang rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Thuế khai thác quặng “xoay” ra sao?
Mỏ quặng Quý Xa VTM được cấp quyền khai thác từ khi lập dự án xây dựng nhà máy năm 2006 và đến năm 2020 là hết thời hạn khai thác. Mức đăng ký dự kiến khai thác 3 triệu tấn quặng sắt/năm, trong đó 1,5 triệu tấn xuất khẩu đối lưu, 700 tấn phục vụ sản xuất cho Nhà máy gang thép Lào Cai và 800 tấn phục vụ cho giai đoạn 2 mở rộng của Gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan nên cuối năm 2014, nhà máy mới đưa vào sản xuất, còn giai đoạn 2 mở rộng của Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa đi vào sản xuất.
Hiện nay, tổng lượng quặng mỏ Quý Xa mà VTM khai thác phục vụ cho sản xuất mới đạt khoảng 5 triệu tấn (chỉ đủ cho đối lưu than cốc để sản xuất). Trong khi, công suất ban đầu dự tính mỗi năm khai thác khoảng 3 triệu tấn. Như vậy, mỏ quặng Quý Xa còn khoảng 30 triệu tấn chưa khai thác.
Thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, VTM phải nộp tiền khai thác trước khi hết hạn cấp quyền khai thác là 4 năm. Như vậy, VTM đang phải nộp khoản tiền khai thác 13 năm phía sau. Nếu tiêu thụ theo đà này, sau năm 2020, VTM còn khai thác khoảng 9 năm nữa mới hết lượng quặng tại mỏ, nhưng lại chỉ còn hơn 4 năm nữa là hết quyền khai thác.
Căn cứ theo quyết định của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, VTM phải nộp 359 tỷ đồng/3 năm trước khi kết thúc hợp đồng cấp quyền khai thác quặng (tương đương gần 120 tỷ đồng/năm), đó là không kể khoản thuế năm 2015 công ty phải nộp mà chưa có tiền.
Theo ông Bình, những nguyên nhân trên làm tăng lượng tiền VTM sử dụng trong những năm đầu lên rất nhiều. Hiện các khoản chi của VTM chỉ trông chờ vào bán hàng, nhưng đầu ra sản phẩm lại rất ế. Vì sau 3 tháng VTM đi vào sản xuất đạt 63.400 tấn, tiêu thụ đạt 42.300 tấn, tồn kho cộng dồn từ khi chạy thử lên tới 68.100 tấn, khiến công ty không còn tiền quay vòng và trả nợ tiền thuế khai thác quặng trong năm 2015.
VTM kiến nghị các cơ quan liên quan có biện pháp thích hợp giúp ổn định thị trường phôi thép để các nhà máy trong nước yên tâm phát triển sản xuất. |
Cần được quan tâm gỡ khó
Để giải quyết những khó khăn trên, Tổng giám đốc VTM Bùi Thanh Bình mong muốn các cấp, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Chính phủ cho phép công ty được xuất khẩu đối lưu quặng tại mỏ Quý Xa với than cốc luyện kim của Trung Quốc, sản lượng đối lưu xấp xỉ 1,5 triệu tấn/năm, bao gồm đối lưu cả thiết bị vật tư dự phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho phép công ty nộp tiền cấp quyền khai thác theo sản lượng thực tế hàng năm. Số tiền thuế cấp quyền khai thác quặng trong năm 2015 công ty xin phép được nộp sau, bởi hiện nay đang rất khó khăn.