Gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới
Ghi nhận tại tỉnh Lào Cai: Nếu như năm 2015 địa phương có tới 18.925 hộ nghèo, chiếm 12,11% trong tổng số hộ thì đến năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt 5,81%.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (trên 40% hộ nghèo thời điểm năm 2019), gồm: Hoàng Thu Phố, Lùng Cái (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chảy (huyện Văn Bàn), La Pan Tần, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương).
Gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới |
Các xã này đều có địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 98%, chủ yếu là đồng bào Mông.
Với quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa hộ đói, giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai triển khai 3 chương trình Mục tiêu quốc gia: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sốvà miền núi; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt trên 9.471 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai đã đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; phát triển giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở, giáo dục…
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, chủ trương tiên phong trong giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025 là việc Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 21/7/2022 về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Khi triển khai Nghị quyết 13, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh tinh thần của nghị quyết là sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới.
Đồng thời, khắc phục triệt để hạn chế trước đây, nhất là việc chạy theo thành tích nên hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo ở mức “quá non”, không bền vững; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo; khắc phục tình trạng dạy nghề tràn lan, không phù hợp với nhu cầu cá nhân, nhu cầu lao động của thị trường, địa phương… Theo tinh thần đó, huyện Phước Long - địa phương tiên phong của tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã áp dụng giải pháp thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhiều địa phương đã xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo |
Được biết, trước khi thực hiện hỗ trợ, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Phước Long chú trọng phân loại nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo của từng nhóm hộ nghèo hiện nay, từ đó có hình thức hỗ trợ đa dạng và phù hợp.
Tại Sơn La, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của địa phương, những năm qua, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư từ Trung ương thông qua hàng loạt chương trình, dự án, đề án hỗ trợ xóa đói nghèo được triển khai, nhất là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Từ nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở vật chất, hạ tầng các huyện nghèo ở Sơn La được đầu tư, từng bước đổi thay diện mạo nông thôn miền núi. Điển hình tại huyện Quỳnh Nhai, năm 2010, từ nguồn vốn Chương trình 30a đã hỗ trợ xã Chiềng Bằng tiền làm lồng và mua cá giống để phát triển nuôi cá lồng, khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La. Mô hình thành công được nhân rộng ra nhiều bản, nhiều xã.
Đến nay, toàn huyện Quỳnh Nhai có 7.000 lồng cá, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Lò Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai - thông tin: Huyện chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Sự “thay da đổi thịt” của Sơn La hay Bạc Liêu cũng như nhiều địa phương miền núi, biên giới trên cả nước đi đôi với hành trình xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của nhiều địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã được đầu tư từ Trung ương xuống địa phương. Điều này góp phần cải thiện thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. |