Sẵn sàng trợ giúp Việt Nam
Tại Việt Nam hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đánh giá cao việc chia sẻ thông tin kịp thời, TS. Laure Weber-Vintzel - Phó Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới (OIE) - cho biết, OIE đã thiết kế 1 trang web đưa thông tin kỹ thuật, dịch bệnh cho các nước tham khảo. Hiện OIE có 3 phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, sẵn sàng trợ giúp Việt Nam các giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng |
“Chúng tôi đã giúp Việt Nam bằng cách phân tích mẫu virus, cung cấp chuyên gia kỹ thuật, cung cấp nguyên liệu chuẩn để Việt Nam tự tin phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam có thể căn cứ vào các tiêu chuẩn của OIE, tùy thuộc vào điều kiện thực tế để vận dụng vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như xuất khẩu động vật” - TS. Laure Weber-Vintzel nói.
Là tổ chức trong nhiều năm qua đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để phòng, chống các bệnh lây truyền qua biên giới, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam - ông Albert T. Lieberg - khẳng định, FAO cũng tham gia hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và đến nay đã chuyển số tiền 100.000 USD hỗ trợ Việt Nam. Hiện, FAO đang xây dựng dự án hỗ trợ khẩn cấp trị giá 500.000 USD để giúp đỡ Việt Nam. Ngoài ra, khoảng 5 - 6 chuyên gia hàng đầu về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng sẽ sang Việt Nam trong tuần tới. Chúng tôi sẽ đưa ra một số ưu tiên của FAO trong việc hỗ trợ Việt Nam.
“FAO đã có nhiều tri thức, cũng như kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó có cả các giải pháp kỹ thuật để giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh này. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là giúp người dân, Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh. Đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi” - ông Lieberg chia sẻ.
Cần kiểm soát nhanh dịch bệnh
Theo chuyên gia của FAO, đây mới chỉ là thời kỳ đầu, nếu không phòng, chống tốt thì dịch bệnh sẽ lây lan với số lượng rất lớn, phạm vi rộng. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ lây bệnh duy nhất sang lợn chứ không lây sang người, và biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh là đảm bảo an toàn sinh học.
Tại Trung Quốc, 3 vấn đề khiến dịch bệnh lây lan là không kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh, sử dụng thức ăn thừa không qua xử lý nhiệt và vận chuyển đường dài từ địa phương này sang địa phương khác. Cách phòng trừ của Trung Quốc là không cho lợn ăn thức ăn thừa, tiêu hủy ngay lợn khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ông Lieberg khuyến cáo: Việt Nam nên kiểm soát dịch bệnh thật nhanh, và tiêu hủy ngay các đàn lợn bị dương tính; kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra ngoài vùng dịch, phun hóa chất khử trùng tốt. Đồng thời, ông Lieberg rất mong chờ Chính phủ Việt Nam ban hành một quy định về việc sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn.
Vào thời điểm đầu, số dịch bệnh có thể tăng nhanh, nhưng sau khi số ổ dịch đã tăng đến cực điểm, chúng ta quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống thì dịch sẽ được khống chế.Trước kiến nghị của FAO và OIE, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Cục Thú y thường xuyên có chương trình làm việc chuyên sâu với OIE, tham quan phòng thí nghiệm của OIE, sau đó về báo cáo, đề xuất bộ. Đồng thời, hoàn thiện các nhóm giải pháp, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
TS. Laure Weber-VintzelPhó Trưởng đại diện OIE: Kinh nghiệm đầu tiên trong phòng chống dịch bệnh là phải chia sẻ thông tin. Phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để từ đầu. Ngoài ra còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm, OIE cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc này. |