Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nguồn chính gây bệnh dại ở Việt Nam là chó, mèo. Giai đoạn 2017 - 2021, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng hơn 70 người chết, là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất.
Còn từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Cao nhất là Bình Thuận 10 ca, Đắk Lắk và Nghệ An mỗi nơi 7 trường hợp, Gia Lai 6.
Trước đó, giai đoạn 2017 - 2021, trung bình hàng năm ghi nhận hơn 70 người tử vong vì bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất, nguồn chính gây bệnh dại ở Việt Nam là chó, mèo.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp bảo vệ tốt nhất phòng bệnh dại - Ảnh minh họa: Lưu Mai |
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra. Bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó 95% các trường hợp tử vong ở khu vực châu Phi và châu Á. Đông Nam Á là điểm nóng về bệnh dại với số lượng chó thả rông lớn, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn vật nuôi (chó, mèo) thấp cùng tình trạng buôn bán thịt chó, mèo phổ biến tại một số quốc gia.
Bệnh dại là mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người; tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng. Phát hiện sớm và xử trí, tiêm phòng kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa tử vong. Việc tiêm vaccine phòng dại đã được chứng minh là hiệu quả, tiết kiệm hơn rất nhiều so với điều trị sau phơi nhiễm để ngăn ngừa tử vong bệnh dại ở người.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo như sau:
- Tốt nhất là tiêm vaccine phòng dại cho tất cả chó, mèo; người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em.
- Khi bị chó, mèo cắn: Vệ sinh và khử trùng vết thương: Rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước; sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương;
- Tiêm vaccine phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn. Để vaccine phòng bệnh dại có hiệu quả cần tiêm vaccine đầy đủ trong thời gian ủ bệnh, trước khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không tự điều trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
- Hạn chế tối đa việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với virus dại từ chó, mèo.
- Trường hợp có nguy cơ mắc bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.