Vắc-xin: 'Vũ khí' mới trong phòng chống sốt xuất huyết có mặt tại Việt Nam Ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, cả nước đã có 77 ổ dịch Hải Phòng: Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue vượt mốc 10.000 |
Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời gồm: TS. Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; GS.TS. Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam; PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1; Ông Dion Warren, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á (I-SEA) tại Takeda.
Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” - Ảnh: VGP/Dương Tuấn |
Mối nguy toàn cầu và thách thức tại Việt Nam
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đối mặt với căn bệnh này.
Số ca sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021, với hơn 12,3 triệu ca tính đến cuối tháng 8 năm 2024 - gần gấp đôi 6,5 triệu ca được báo cáo trong toàn bộ năm 2023. Ước tính có khoảng 4 tỷ người có nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền từ muỗi trên toàn thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ người vào năm 2050.
Ở Việt Nam, sốt xuất huyết phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Chia sẻ về tình hình, diễn biến và gánh nặng của bệnh sốt xuất huyết hiện nay tại Việt Nam, TS.BS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất hiện là 1 bệnh lưu hành rất được quan tâm.
“Hằng năm, trên thế giới có từ 100-400 triệu người mắc và hơn 10.000 người tử vong. Riêng tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong thấp”, TS.BS. Hoàng Minh Đức thông tin thêm.
Do bệnh sốt xuất huyết là bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt đây là bệnh lây truyền qua vector là con muỗi vằn nên từ trước đến nay, đây là loại bệnh rất được quan tâm trong công tác phòng chống dịch.
Sốt xuất huyết, căn bệnh do muỗi vằn truyền, đang trở thành một thách thức lớn với xu hướng gia tăng trên toàn cầu. GS.TS. Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, từ năm 1970, chỉ 9 quốc gia ghi nhận bệnh nặng, nhưng hiện đã có hơn 130 nước lưu hành, với 400 triệu ca mắc mỗi năm. Ở Việt Nam, sốt xuất huyết xuất hiện từ năm 1958 và hiện đã trở thành bệnh lưu hành trên toàn quốc.
“Dịch tễ sốt xuất huyết trong nước ngày càng phức tạp. Trước đây, dịch bệnh chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, dịch đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và cả các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh. Các vụ dịch lớn năm 2019 và 2022 đã ghi nhận hơn 300.000 ca mỗi năm, cùng hàng trăm ca tử vong”, GS.TS Vũ Sinh Nam chia sẻ thêm.
"Cuộc chiến chưa hồi kết" và hy vọng từ vaccine mới
Bệnh sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Trước đây chưa có vũ khí đặc hiệu, chưa có vaccine, vì thế chủ yếu kiểm soát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết qua vector và điều trị triệu chứng.
Tuy nhiên, để kiểm soát vector cũng rất khó khăn. Muỗi vằn, trung gian truyền bệnh, trú ngụ trong nhà, sinh sản ở các dụng cụ chứa nước sạch. TS.BS Hoàng Minh Đức cho biết, việc tiêu diệt loài muỗi này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của ngành y tế và chính quyền mà còn cần sự tham gia tích cực của cộng đồng. Dù vậy, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và giao thông phát triển đã tạo điều kiện cho muỗi lan rộng.
Dù Việt Nam đã cấp phép sử dụng vaccine phòng bệnh, khoảng trống trong công tác phòng, chống vẫn tồn tại.
Hơn nữa, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về sốt xuất huyết kết thúc năm 2020, ngân sách phòng chống bệnh chuyển giao cho các địa phương. Điều này dẫn đến sự giảm sút trong tuyên truyền và giám sát dịch bệnh. Hậu quả là số ca mắc đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, với Hà Nội ghi nhận hơn 40.000 ca năm 2023, cao nhất trong lịch sử.
Vào tháng 5/2024 vừa qua, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam và đã được bắt đầu triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.
Theo dữ liệu của Công ty Takeda, vaccine TAK 003 bao gồm 4 type được thử nghiệm trên 14 quốc gia với trên 28.000 người tham gia. Kết quả cho thấy vaccine TAK 003 này có tác dụng bảo vệ nhiễm virus Dengue đến 80,2% và chống nhập viện là 90,4%. Hiện nay, vaccine này đã được triển khai ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó hàng triệu liều được triển khai ở Brazil, Argentina, Indonesia và Việt Nam. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng hoặc trầm trọng được ghi nhận. Điều đó chứng tỏ vaccine hiện nay an toàn và có hiệu quả cho người sử dụng.
Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền. Vaccine rất hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.