Giới hạn giá khí đốt của Liên minh châu Âu gây ra những thay đổi đáng kể trên thị trường thế giới EU công bố gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga đánh dấu 1 năm cuộc chiến Ukraine |
Liên minh châu Âu muốn cung cấp cho người tiêu dùng châu Âu quyền tiếp cận với nhiều loại thuốc hơn, nhanh hơn và ít tiền hơn, do đó, EU tiến hành sửa đổi luật dược phẩm, sẽ cho phép Ủy ban châu Âu loại bỏ các đặc quyền mà các nhà sản xuất thuốc hiện đang được hưởng để cho phép các đối thủ không có thương hiệu tham gia thị trường sớm hơn, làm giảm giá cho người tiêu dùng.
Theo đó, EU đề xuất cắt giảm thời gian mà các công ty dược phẩm phải bán thuốc của họ mà không có sự cạnh tranh. Hiện tại, các công ty phát triển thuốc có nhãn hiệu có 10 năm để bán một loại thuốc mới mà không bị thách thức, sau đó các đối thủ có thể tung ra các loại thuốc “bắt chước” không có nhãn hiệu để nhanh chóng giảm giá và thu lợi nhuận.
EU muốn giảm khoảng thời gian đó xuống hai năm. Điều đó có nghĩa là các loại thuốc rẻ hơn sẽ có thể thâm nhập thị trường sớm hơn, giúp thuốc đến được với nhiều người hơn. Theo kế hoạch, các công ty cung cấp thuốc ở tất cả các thị trường EU sẽ được nhắc lại một phần (chứ không phải tất cả) khoảng thời gian đó.
EU cũng muốn giải quyết sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận thuốc men đang gây khó khăn cho khối. Hiện tại, bệnh nhân ở Đức nhận được thuốc mới trung bình sớm hơn hai năm so với bệnh nhân ở Ba Lan hoặc Romania. Điều này một phần là do các nước Tây Âu có kinh nghiệm và bộ máy hành chính để đi đầu trong công việc phức tạp là hoàn trả các loại thuốc mới, và một phần là do các công ty dược phẩm biết rằng họ sẽ có được thỏa thuận tốt hơn ở các nước giàu hơn và đến đó trước. Giá đạt được ở đó có thể được sử dụng để thương lượng với phần còn lại của châu Âu. Nhưng đối với Ủy ban châu Âu- nơi đã tập trung vào việc xây dựng một "liên minh y tế" - thì sự chênh lệch vẫn còn lớn.
Các nhóm người tiêu dùng và các tổ chức xã hội đã hoan nghênh rộng rãi các động thái này của EU. Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cho biết, đề xuất này là “tích cực” và nó sẽ cho phép bệnh nhân tiếp cận nhanh hơn với các phương pháp điều trị tiên tiến.
Liên minh Y tế Công cộng châu Âu cho biết, trong nhiều thập kỷ, các công ty dược phẩm đã được hưởng nhiều ưu đãi rất hào phóng của EU và giờ đây các đặc quyền được điều chỉnh.
Các công ty dược phẩm lớn lập luận rằng châu Âu đã tụt lại phía sau Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua nghiên cứu và phát triển. Boston, chứ không phải Berlin, là điểm đến được lựa chọn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học đầy tham vọng đang nghiên cứu các liệu pháp di truyền tiên tiến. Nathalie Moll - Tổng giám đốc của Liên đoàn các Hiệp hội và Công nghiệp Dược phẩm Châu Âu (EFPIA), nhóm vận động hành lang đại diện cho ngành ở châu Âu, đã chỉ trích đề xuất này khi chỉ ra khoảng cách ngày càng tăng trong đầu tư nghiên cứu dược phẩm giữa Mỹ và châu Âu, đã tăng lên 25 tỷ euro từ mức 2 tỷ euro 25 năm trước.
Điều đó không có nghĩa là các công ty dược phẩm lớn đã mất hết hy vọng. Với gần hai tháng trước khi đề xuất lập pháp của EU chính thức được đưa ra, các đại diện của ngành có thể thực hiện nỗ lực cuối cùng để tác động đến dự thảo. Nhóm giám sát châu Âu ước tính rằng có hơn 290 nhà vận động hành lang dược phẩm ở Brussels, khiến nó trở thành một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng nhất ở EU.
Các đối thủ nặng ký như Pháp và Đức có những ngành công nghiệp quan trọng mà họ muốn bảo vệ. Họ sẽ có tiếng nói cuối cùng về văn bản lập pháp trước khi nó trở thành luật. Nhưng có những yếu tố mang tính cấu trúc có nghĩa là sớm muộn gì ngành dược phẩm cũng sẽ phải tính toán. Với dân số ngày càng già đi của châu Âu, chi phí chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng lên một cách khó kiểm soát. Giá thuốc là một phần quan trọng trong đó. Việc giảm giá thuốc sẽ là một phần quan trọng của bất kỳ giải pháp dài hạn nào, nếu không sẽ có nguy cơ chi tiêu vô ích trong dài hạn.