Thứ sáu 03/01/2025 10:30

EU siết quy định an toàn thực phẩm với nông sản, giải pháp nào tránh 'ổ gà' trên 'cao tốc' EVFTA?

Hiệp định EVFTA mang lại những ưu đãi lớn cho hàng Việt vào EU, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, thị trường này cũng đặt ra những yêu cầu rất cao về sản phẩm.

EU siết quy định về nông sản nhập khẩu

Một thông tin đáng chú ý trên thị trường vừa qua đó là theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, cơ quan này vừa nhận được thông báo của Ban thư ký Ủy ban SPS - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) lấy ý kiến Thành viên WTO đối với các thông báo dự thảo biện pháp SPS.

Hạt tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, tùy từng sản phẩm, EU đề xuất mức tăng, giảm mức dư lượng tối đa (MRL) của một số hoạt chất. Đáng chú ý, trong đó EU đã đề xuất thay đổi mức MRL của một số hoạt chất trong nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam như: bơ, chuối, xoài, đu đủ, sầu riêng, đậu bắp, trà, cà phê, hạt tiêu, gạo, điều, mắc ca… Việc thay đổi mức MRL đối với một số loại nông sản sẽ khiến xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang EU ít nhiều chịu ảnh hưởng.

Câu chuyện này cho thấy, những yêu cầu của thị trường nhập khẩu sẽ càng có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, với các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EU, các rào cản phi thuế quan sẽ ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn nhằm bảo vệ hàng hoá trong nước.

EU cũng là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hoá Việt Nam, và là thị trường mà Việt Nam tận dụng tương đối hiệu quả những lợi thế từ Hiệp định EVFTA. Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nhận định, trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia thì EVFTA là Hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sau 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực ước tính khoảng 200 tỷ USD. 4 năm qua, Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vào EU đạt từ 12-15%/năm và luôn là nước xuất siêu vào EU.

Tuy vậy, yêu cầu của thị trường này cũng ngày một tăng lên. Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn xuất khẩu được, sản phẩm Việt Nam phải phù hợp với các đối tượng thị trường khác nhau, đáp ứng nhiều quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực, động vật... Đặc biệt, vấn đề về kỹ thuật cũng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu nắm bắt tốt các quy định thị trường cũng như thủ tục xuất nhập khẩu sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi vì trên thực tế, năng lực sản xuất của Việt Nam tương đối tốt, đặc biệt là gạo hồ tiêu, cà phê, hạt điều, cao su...

Về phía các ngành hàng, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cũng thừa nhận, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông dân và doanh nghiệp chưa nắm bắt đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, nên ngành hàng hồ tiêu và gia vị còn tồn tại một số hạn chế. Thời gian qua, các doanh nghiệp bị cảnh báo từ EU đối với một số chỉ tiêu liên quan đến dư lượng thuốc, vi sinh vật, kim loại nặng…

Thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật. Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Lấy ví dụ về khảo sát tại Thừa Thiên - Huế năm 2020, 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.

Bằng mọi cách phải đáp ứng yêu cầu của thị trường

Theo các cơ quan chức năng, nếu như chỉ một lần vi phạm, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu sự kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt của thị trường. Có những trường hợp, chỉ một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU với sản lượng 38 kg nhưng bị phát hiện không đạt yêu cầu nhưng góp phần khiến toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp kiểm tra biên giới tới 50%.

Hay chỉ 7 lô hàng thanh long, tương đương 400 - 1.800 kg thanh long bị phát hiện không đạt yêu cầu thì sản phẩm này cũng bị áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%. Ngoài ra, đậu bắp cũng bị áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới 50% có kèm theo chứng thư, sầu riêng 10%...

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu nếu không được nắm bắt và tuân thủ đầy đủ sẽ biến thành “ổ gà”, đối với doanh nghiệp trên con đường xuất khẩu, thậm chí có thể xóa sổ những nỗ lực trong công tác mở cửa thị trường vốn rất gian nan, vất vả. Do đó, việc am hiểu và tuân thủ quy định của từng thị trường là cách duy nhất để hàng hóa có thể xuất khẩu thuận lợi.

Thực tế thời gian qua, nhiều nông dân và doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phấn đấu để sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, độ an toàn ngày càng cao. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp đôi lúc nhận thức còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì thế thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm để đáp ứng một cách tốt nhất các quy định trong các hiệp định thương mại tự thế hệ mới, cũng như hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung.

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của EU, để tiếp tục xuất khẩu ổn định vào thị trường này.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định EVFTA

Tin cùng chuyên mục

Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện báo cáo kết quả xây dựng Bộ Chỉ số FTA Index trình Chính phủ

Yên Bái tận dụng tối đa cơ hội từ Cổng FTAP

Khối EFTA và Thái Lan kết thúc đàm phán FTA: Dấu ấn hợp tác kinh tế châu Âu - Đông Nam Á

FTA Index: Cánh cửa mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam

Chuyên gia nêu giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi FTA

FTA Index: Động lực đổi mới để doanh nghiệp và địa phương hội nhập hiệu quả

Hiệp định thương mại tự do (FTA): ‘Đòn bẩy' cho doanh nghiệp tài chính hội nhập

Cổng FTAP: Địa chỉ tin cậy giúp doanh nghiệp, địa phương tối ưu hóa lợi ích từ FTA

Chuyên gia 'hiến kế' để FTA Index giúp doanh nghiệp, địa phương hội nhập hiệu quả

Xây dựng, kết nối đội ngũ tư vấn để đưa Cổng FTAP đến gần hơn doanh nghiệp, người dân

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP

FTA Index - động lực để Hải Phòng tăng thu hút đầu tư chất lượng cao

RCEP - cầu nối giao thương, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand

Đà Nẵng: Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới

Các FTA - ‘đòn bẩy’ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và đối tác châu Mỹ

Tăng tốc xuất khẩu sang Indonesia nhờ khai thác cơ hội từ RCEP

RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

RCEP thúc đẩy mạnh mẽ giao thương ASEAN - Trung Quốc