Nông sản Sơn La: Vững vàng xuất ngoại |
Trung tâm nông nghiệp mạnh của cả nước
Sơn La - vựa trái cây lớn thứ hai cả nước đón chúng tôi vào một ngày mùa hè với cái nắng vàng rực, lấp lánh trên những triền đồi. Dọc quốc lộ 6, từ Mộc Châu lên, qua Yên Châu, Mai Sơn, tới thành phố Sơn La, đâu đâu hai bên đường cũng là những vườn cây ăn quả xum xuê với rất nhiều loại khác nhau.
Không còn là thủ phủ của ngô và sắn như hơn 10 năm trước, giờ đây những trái cây đặc sản của địa phương này như xoài, cam, nhãn, bưởi, táo, na… mới đang chiếm vị trí ưu thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng cam tại xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La |
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, phát huy các thế mạnh về quỹ đất nông nghiệp, thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La đạt được kết quả tích cực.
Sơn La đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, điển hình là phát triển trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh ước đạt trên 84.000 ha với sản lượng ước đạt gần 450.000 tấn, trong đó có một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như: tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn…
“Sản phẩm nông sản, thực phẩm từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - bà Đỗ Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Đáng chú ý, đến nay, toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn; có 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan.
Công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hoá, nhất là sản phẩm nông sản cũng tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh; sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.
Năm 2021, giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu đạt trên 161,2 triệu USD, tăng 43,9% so với năm 2020, trong đó trên 150 triệu USD giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm, tăng 45,1% so với năm 2020 (giá trị hàng hóa nông sản quả tươi đạt trên 24 triệu USD, hàng hóa nông sản chế biến đạt trên 126 triệu USD).
Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến
Xác định tầm quan trọng và vai trò ý nghĩa đặc biệt của doanh nghiệp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Sơn La đã ban hành các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường.
Sơn La thu hút nhiều doanh nghiệp có năng lực, uy tín cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản |
Bà Đỗ Thị Bích Châu chia sẻ, lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến tiếp tục được tỉnh quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 01 Khu công nghiệp Mai Sơn có quy mô 150 ha và quy hoạch 8 cụm công nghiệp.
Trong đó có 02 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (Mộc Châu (20 ha), Gia Phù (20ha)). Hiện nay, tỉnh đang xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh.
“Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Cụ thể, sản xuất chè: 35 cơ sở; đường: 1 nhà máy; tinh bột sắn: 2 nhà máy; tơ tằm: 1 nhà máy; sơ chế, chế biến chanh leo: 1 nhà máy; chế biến mủ cao su: 1 nhà máy; chế biến rau, quả: 2 nhà máy...” - bà Đỗ Thị Bích Châu thông tin.
Đáng chú ý, có 1 nhà máy sữa công suất 500 tấn sữa/ngày; 1 nhà máy đường công suất 5.000 tấn mía/ngày; 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, công suất 300 tấn tinh bột/ngày/nhà máy; có 7 nhà máy sản xuất chè công suất lớn 25.000 - 50.000 tấn chè búp tươi/ngày, 4 cơ sở chế biến chè chất lượng cao và nhiều cơ sở quy mô tiểu thủ công nghiệp với sản lượng năm 2021 đạt trên 15.000 tấn, trong đó có trên 10.000 tấn xuất khẩu; có 5 nhà máy sơ chế, chế biến cà phê nhân quy mô công nghiệp với công suất 100-200 tấn quả tươi/ngày...
Một số tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực, uy tín cao hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư các nhà máy chế chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh như: Vinamilk (nhà máy chế biến sữa tại Mộc Châu); Tập đoàn TH (Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ); Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao (Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La); Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea)...
Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh hàng năm tăng với tốc độ khá cao (trên 9%/năm trong giai đoạn 2015-2020) và trở thành điểm sáng trong các ngành công nghiệp của tỉnh, chiếm trên 60% cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, một số sản phẩm chế biến tăng cao qua các năm: Tinh bột sắn trên 41%; chè trên 16%; sữa tươi, sữa chua tăng trên 10%; đường trên 7%; cà phê trên 6%...
“Đặc biệt, năm 2022, dự kiến có thêm sản phẩm rau quả chế biến, sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cơ bản được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn; riêng sản phẩm quả hiện nay tỷ lệ đưa vào chế biến mới đạt gần 30% sản lượng quả tươi” - ông Lê Hồng Minh nêu.
Kết quả sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn; góp phần tích cực vào kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La. |
Đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc - Bài 2: Logistics giúp nông sản tăng mạch lưu thông