Du lịch Việt thiếu “lửa” đầu tư
Du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển |
Tuy nhiên, tại hạng mục “Cạnh tranh về giá cả” có sự hoán đổi đáng suy nghĩ, Việt Nam từ vị trí điểm đến rẻ thứ 3 khu vực Đông Nam Á năm 2015 xuống vị trí đắt đỏ thứ 3 vào năm 2017, chỉ đứng sau Singapore, Campuchia. Sau 2 năm, Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ” với điểm số đánh giá (5,3 điểm), trong khi các nước láng giềng có sự cải thiện đáng kể về giá cả, đặc biệt, Lào tăng từ 4,9 điểm lên 5,7 điểm. Du lịch Việt Nam đắt đỏ hơn cả Thái Lan (5,6 điểm), Philippines (5,5 điểm), Malaysia (6,1 điểm), Indonesia (6,0 điểm).
Việt Nam được đánh giá cao ở các tiêu chí “Tài nguyên thiên nhiên”, “Tài nguyên văn hóa”…, nhưng có những tiêu chí đang kéo lùi Việt Nam trên bảng xếp hạng cạnh tranh: “Tính bền vững về môi trường” (xếp thứ 129 thế giới), “Mức độ khí thải cao” (128), “Phá rừng” (103), “Xử lý nguồn nước” (107)…
Báo cáo của WEF được công bố 2 năm một lần, đánh giá các điểm đến du lịch dựa trên 14 tiêu chí. Đó là những thông tin tham khảo để “biết mình, biết ta”, đặc biệt khi du lịch Việt Nam đặt ra những mục tiêu rất cao: Đến năm 2020 thu hút 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm…
Để vươn tới được các mục tiêu đó hoàn toàn không dễ dàng. Còn nhớ, đầu năm 2017, tại một hội nghị lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra cho ngành du lịch 5 câu hỏi: Làm thế nào du khách tìm đến Việt Nam đông hơn? Làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì dời đi sớm? Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi? Làm thế nào để khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?
Đây là những câu hỏi rất thực tế, cũng là những vấn đề “cốt tử” của ngành công nghiệp không khói Việt Nam.
Không phải tự nhiên có nhiều ý kiến nhận xét, các văn bản, chính sách, giải pháp, đề án… để phát triển du lịch có thừa, nhưng du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu 2 thứ: “Lửa” đầu tư, kinh doanh và “mùi” kinh tế thị trường để tạo nên những “cú huých” phát triển đột phá, không bị tụt hậu.